Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Gần 100 ngư dân Lý Sơn được phổ biến kiến thức an toàn biển

Chiều 30/5, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bộ GTVT cùng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tổ chức lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định về tìm kiếm cứu nạn, an toàn đi biển.
Phát biểu khai mạc lớp tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, thời gian gần đây, có một số tàu quân sự, tàu đánh cá xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và cố tình đâm va với tàu cá, tàu của lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam trên biển.

Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thực hiện Công ước SAR 79, ngày 30/5/2014, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2030/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp TKCN hàng hải của các lực lượng ngành GTVT; Quyết định số 680/QĐ-BGTVT ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thành lập Đoàn công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về TKCN, thực hiện Công ước quốc tế về TKCN hàng hải năm 1979 của Bộ GTVT năm 2017 tại Thái Bình và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Tại buổi tuyên truyền, gần 100 ngư dân được nhận bộ thông tin hướng dẫn an toàn đi biển, được phổ biến kiến thức về xử lý, ứng phó sự cố trên biển; cách điều khiển tàu thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão; cách sử dụng túi thuốc y tế trên tàu cá; cách sơ cấp cứu ban đầu, duy trì sự sống trên biển..


Trực tiếp khuyến cáo đến ngư dân các nguyên tắc an toàn trên biển, ông Hồ Xuân Phong - đại diện Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực II (Đà Nẵng) nhấn mạnh các tín hiệu quốc tế (còi, đèn, hình thể...) ngư dân có thể sử dụng khi hoạt động đối với tàu bạn; kênh, tần số liên lạc với cơ quan TKCN khi gặp sự cố hoặc phát hiện tàu gặp sự cố; cách tránh vượt tàu trong luồng lạch...

Bác sĩ Trần Ngọc Quang - tàu cứu nạn SAR 412 cũng thị phạm cho ngư dân, chủ tàu thuyền cách sơ cấp cứu đơn giản cho thuyền viên bị nạn trên tàu như băng bó vết thương, cố định xương gãy, sơ cứu bỏng, tận dụng thuốc men có sẵn nhằm duy trì sự sống trước khi lực lượng TKCN tiếp cận được tàu cá.

Qua đó, các ngư dân, chủ tàu thuyền, chủ phương tiện vận tải đã trao đổi, cung cấp cho ban tổ chức những thông tin, kinh nghiệm thực tế trong công tác tuyên truyền về an toàn tàu thuyền, công tác TKCN nhằm góp phần vào việc tổ chức thực hiện tốt các quy định về TKCN nói riêng và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước SAR 79 nói chung.

Dịp này, Bộ GTVT cũng trao 80 áo phao cùng phần quà cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Tấn Việt/baogiaothong.vn

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Nguy cơ huyện đảo Lý Sơn biến thành các đảo bêtông hóa vô hồn


Nằm cách đảo Lớn, Lý Sơn khoảng 3 hải lý về phía Tây Bắc, xã đảo An Bình (hay còn gọi là đảo Bé) có diện tích chưa đầy 1km2 với khoảng 100 hộ dân sinh sống.
Vài năm trở lại đây, song song với đảo Lớn, đảo Bé trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách với quần thể trầm tích núi lửa hàng triệu năm xếp thành vòng cung hướng ra biển, tạo thành những bãi tắm tuyệt đẹp.

Cư dân trên đất đảo vẫn gắn bó với nghề nông truyền thống như trồng tỏi, hành… xa hơn là làm du lich ly son kiểu “cây nhà lá vườn” với những khung cảnh còn khá hoang sơ, thơ mộng chưa bị nhân tạo nhiều.

Nhận thấy giá trị và tiềm năng của đảo Bé trong việc góp phần phát triển du lịch của địa phương này nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung, nhiều cấp, ngành, chức năng đã vào cuộc quyết liệt, bảo vệ đảo Bé trước làn sóng bêtông hóa ồ ạt.

Nói như vậy không quá ngoa bởi lẽ giờ đây, khi ra đảo Lớn (Lý Sơn), chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển vượt bậc, nhất là từ khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo. Nhà cao tầng, đường giao thông và nhiều công trình khác đua nhau mọc lên, những ruộng hành, ruộng tỏi trải dài, mướt mát dần thu hẹp.

Những người yêu hòn đảo cho rằng Lý Sơn chẳng còn kỳ vĩ, ấn tượng như trước mà trở nên “vô hồn” khi những mảng bêtông to lớn án ngữ, đâu đâu cũng có, nhiều vô kể, dù rằng cơ sở vật chất hiện đại gấp bội phần.

Chuyến "vi hành" cùng đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ dẫn đầu mới đây cho thấy, nhiều kẽ hở lộ ra khá rõ rệt.

Chặng đường tầm hơn 4km men theo bờ biển từ hang Câu dẫn đến cuối chân chùa Hang dường như dài hơn rất nhiều với vị lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ. Ông liên tục thở dài, không phải vì mệt mà vì tiếc nuối, bởi ở Lý Sơn bây giờ không còn những hình ảnh hoang sơ từ những ngày đầu ông ra đây nghiên cứu, khám phá.

Ông liên tục bấm máy, ghi lại nhiều khung hình khác nhau vì sợ sau này không còn điều kiện để chụp, mà chụp cũng không còn vẻ đẹp hoang sơ nữa.

Tại cuộc họp mới đây giữa đoàn công tác của tỉnh với huyện Lý Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ lại một lần nữa bác bỏ đề xuất về việc bêtông hóa đảo Bé mà một số đại biểu nêu ra.

Đáng chú ý là kiến nghị từ phía Sở Xây dựng. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng cho hay, quan điểm của Sở là không đồng ý với đề xuất của Công ty Đoàn Ánh Dương (công ty nổi tiếng về lĩnh vực nghiên cứu địa chất, di sản văn hóa dưới nước) rằng phải giữ nguyên trạng đảo Bé như bây giờ, không tác động gì nhiều đến cảnh quan.

“Chúng ta phải đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, các cơ sở homestay trên đảo Bé thì mới phục vụ tốt du khách được; phải quy hoạch lại, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản để phát triển lâu dài”- ông Hoàng nói.

Kết luận về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhấn mạnh cần giữ nguyên trạng đảo Bé, chỉ trong trường hợp sạt lở, gây mất đất cục bộ, cần thiết phải khắc phục thì mới tính tớiphương án xây kè giữ đất chứ không xây ồ ạt làm mất cảnh quản vốn có.

Ông cũng chỉ đạo, đường đi trên đảo Bé phải là đường đi bộ không nhất thiết phải bêtông. Càng đơn giản, hoang sơ thì càng đẹp, mà du khách đến với Lý Sơn cũng vì điều đó. "Nếu xây dựng mà gây nguy hại đến di tích văn hóa, đến danh lam thắng cảnh, địa mạo thì tỉnh tuyệt đối không cho phép,” ông Chữ quả quyết.

Với sự quả quyết của người đứng đầu, đảo Bé vẫn có cơ hội “giữ mình” trước làn sóng bêtông hóa mạnh mẽ, trở thành điểm sáng giữa biển khơi; nép mình hoang dại sau “người anh” đảo Lớn đã bị đô thị hóa nhiều rồi./.