Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Tập đoàn Mường Thanh xây dựng khách sạn 150 phòng tại đảo Lý Sơn

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Mường Thanh vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi để đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng khách sạn Mường Thanh tại huyện đảo Lý Sơn.


Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Đồng- Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Mường Thanh cho biết, sau khi đi khảo sát thực tế tại huyện Lý Sơn, Tập đoàn có ý tưởng xây dựng tại huyện đảo này 01 khách sạn có quy mô khoảng 7 tầng, 150 phòng nghỉ chất lượng, trên diện tích khoảng 01 ha để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao huyện Lý Sơn và các ngành chức năng của tỉnh cùng Tập đoàn Mường Thanh lựa chọn địa điểm để triển khai dự án.

Được biết, với hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ khách sạn, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh được công nhận là "Chuỗi Khách Sạn Tư Nhân Lớn Nhất Việt Nam" với một hệ thống gồm 30 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3,4 và 5 sao trải dài trên cả nước.

Trịnh Ngà
Theo InfoNet

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Khi những “nữ thuyền trưởng” vượt sóng

Đi biển là công việc nặng nhọc, vốn chỉ dành cho đàn ông sức dài vai rộng. Nhưng đâu đó ở những làng chài ven biển Quảng Ngãi vẫn có những người đàn bà hằng ngày đạp sóng vươn khơi.


Một ngày đầu tháng ba, tôi gặp nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai, ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) khi bà chuẩn bị ra khơi cùng chồng. Bà Mai năm nay đã 55 tuổi, trên người có đến 3 vết sẹo dài hơn gang tay sau những lần mổ sỏi thận, nhưng vẫn miệt mài vươn khơi. “Khi đứa con lớn được 5 tuổi, đứa nhỏ được vài tháng thì tôi bắt đầu đi biển cùng chồng. Nay thằng nhỏ vừa tròn 24 tuổi là 24 năm tôi ra khơi. Từ đánh bắt ở vùng biển xa như Ninh Thuận, cho đến biển gần ngoài Hòn Than, Sa Cần, Lý Sơn... tôi cũng đều song hành cùng ổng cho có bạn”, bà Mai cười hiền tâm sự.

Quanh năm vươn khơi, nên thời gian nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai lênh đênh trên biển còn nhiều hơn đất liền. Cứ 3 giờ chiều hôm nay đi biển, thì rạng sáng ngày mai, chiếc tàu giã cào đơn của hai vợ chồng chị mới bắt đầu cập bến. Bán cá xong cho thương lái, bà lại tất bật với công việc đan lưới, rồi cơm nước và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Một điều "lạ" là đến xe máy bà Mai cũng chẳng biết lái, nhưng khi đi biển bà có thể thay chồng cầm lái thành thục.

Nói đến “nữ thuyền trưởng” của đời mình, ông Võ Thanh Dũng kể: “Nay đi khơi phải tàu to, máy lớn thì mới dễ tìm người đi bạn. Còn nhà tôi thuyền nhỏ, máy nhỏ, nên nếu bà ấy mà không đồng hành, thì tôi chẳng thể đi một mình. Công việc giũ lưới, kéo lưới nặng nhọc, dễ ngã, nên mỗi khi tôi ra boong kéo lưới, thì bà ở trong cứ thế lái tàu, không thua nam giới đâu”.

“Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, nên ở các làng chài ven biển, không riêng gì nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai, mà đàn bà đi biển đã không còn là chuyện hiếm. Sinh ra từ làng biển, nghiệp biển gắn với đời họ lúc nào không hay. Chọn biển để mưu sinh cũng đồng nghĩa với việc những nữ ngư dân chấp nhận luôn những sóng gió, rủi ro có thể ập đến với mình bất cứ lúc nào.

“Những khi trời giông gió, biển động dữ dội lắm, thuyền mình cũng tròng trành, lắc lư liên tục. Không cầm lái cho đằm, thì thuyền lật như chơi. Nhưng rồi vì mưu sinh, vì tương lai của con cái, hai vợ chồng cứ thể đi biển”, bà Trương Thị Nở, một nữ ngư dân gắn bó với biển gần 30 năm ở làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.

Đã 53 tuổi đời, 27 năm tuổi nghề, những sóng gió, rủi ro trong hành trình đi biển của mình bà Nở không kể xiết. Bà Nở bảo, vất vả là thế, nhưng chỉ có những ngày trăng sáng, bà mới ở nhà nghỉ ngơi, vá lưới, vui vầy cùng cháu con. Còn lại, bà đều cùng chồng lênh đênh trên biển để mưu sinh. Trong cuộc đời làm biển của mình, chiếc tàu công suất 17CV hiện giờ là chiếc tàu thứ hai mà vợ chồng bà sắm được. “Chiếc tàu cũ và mỏi lắm rồi nên cho nó “nghỉ”. Còn mình, giờ tuổi đã cao, nên lắm lúc cũng mỏi, nhưng không đi biển thì không biết làm gì. Vả lại, cứ ở nhà dăm bữa là buồn chân, lại muốn đi”, bà Nở tâm sự.

Lênh đênh trên những con thuyền tròng trành, lắc lư cùng sóng nước; những người đàn bà đi biển như bà Mai, bà Nở... vẫn cứ mải miết gắn bó với biển khơi. Với họ, hạnh phúc là khi được đồng hành cùng chồng vượt qua những tháng ngày vất vả, chông gai nơi đầu sóng.

Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Lý Sơn hạn chế du khách trèo lên cổng tò vò


Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhắc nhở không quá 10 người trèo lên cổng tò vò cùng lúc, du khách cần chấp hành theo các biển báo, không leo lên các điểm cao, phiến đá mỏng.

Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Sơn cho biết các nhóm du khách đông người thường trèo lên cổng tò vò để tham quan, chụp ảnh. Điều này có thể ảnh hưởng tới di sản địa chất, vì thế địa phương thực hiện nhắc nhở không quá 10 người trèo lên cổng cùng lúc.

Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp, những phiến đá nhô ra biển, vực sâu, du khách cần thực hiện theo các biển báo, không leo lên các điểm cao để tránh nguy hiểm tính mạng.

Cổng tò vò, tên gọi người dân đặt cho khu vực bãi đá có hình vòm, cao khoảng 2,5 m, là trầm tích núi lửa tự nhiên bên bờ biển thôn Tây, xã An Vĩnh. Khu vực này thu hút đông du khách tới tham quan, chụp ảnh. Những dịp lễ, Tết, đảo Lý Sơn đón hàng nghìn người, khu vực cổng tò vò luôn đông đúc, du khách chen chân chụp ảnh lưu niệm.

Để chuẩn bị cho dịp lễ 30/4 tới đây, ông Nghĩa cho biết huyện đảo đã có nhiều phương án hạn chế quá tải như một số năm trước. Trên đảo hiện có các nhà nghỉ, homestay với khoảng 500 phòng, có thể phục vụ 2.000 người cho dịp lễ. Hiện có 13 tàu ra vào đảo liên tục trong ngày, đảm bảo nhu cầu di chuyển của du khách.

Ngày 8/3, Window Azure, cổng vòm đá, biểu tượng du lịch nổi tiếng của Malta, bị đổ sụp xuống biển, sau trận bão lớn. Các nhà địa chất từ lâu đã cảnh báo về cổng vòm đá cong nằm trên bờ biển phía tây của đảo Gozo sẽ có lúc sập xuống, do sự xói mòn và tác động của thời tiết. Kể từ năm 2016, các du khách cũng bị cấm leo lên cổng mái vòm này, hoặc đi thuyền bên dưới./.

(Nguồn: Vnexpress)

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Kinh nghiệm hữu ích cho các bạn đi phượt đảo Lý Sơn Quảng Ngãi

Thông tin về đảo Lý Sơn

Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý.


Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.

Huyện Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Nói về huyện đảo này, nhân dân địa phương có ca dao thủy trình:


Trực nhìn ngó thấy Bàn Than;
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ 

Diện tích của huyện là khoảng 9,97 km² nhưng dân số lại lên đến con số hơn 20.460 người. Gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn,hoặc gọi Cù Lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ - Đảo lớn), An Hải (Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).


Vào cuối kỷ Neogen (là một kỷ địa chất của đại Tân Sinh) đầu đệ tứ, cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành di sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.

Tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch "biển đảo Lý Sơn" vào ngày 28 tháng 4 năm 2007. Du khách từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, sau đó ra đảo bằng tàu cao tốc và thuê xe máy để đến các di tích trên đảo. Khi lưu trú trên đảo, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn (rau cum cúm), cháo nhum (cầu gai)...

Từ đảo lớn khách du lịch lại có thể đi cano sang đảo bé để tắm và bơi tại bãi dừa. Nước biển tại đây trong và sóng lặng.

Trên đảo có ba di tích quốc gia: đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên), Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa), Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Và 24 chùa, am.

Ngày 13 tháng 07 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận Tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn gồm các điểm du lịch tại huyện Lý Sơn theo các tuyến: Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn.

Huyện đảo được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt. Các hàm lượng chất có trong tỏi luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác.

>> Xem thêm giá tour du lich Ly Son


(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_S%C6%A1n)

Thời điểm nào đi Lý Sơn là đẹp nhất


  • Mùa hè, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 thời tiết khá đẹp và có nắng, phù hợp cho việc đi biển
  • Mùa tỏi  Lý Sơn bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12, tuy nhiên đây cũng là thời điểm mùa bão diễn ra.
  • Lễ khao thề lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18-19-20 tháng 3 (âm lịch)


Dân gian có một vài câu thành ngữ nói về thời tiết trên biển như: Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba bà già đi biển. Đọc những câu này, các bạn cũng có thể thêm chút kinh nghiệm lựa chọn thời gian đi biển cho riêng mình, động dài ý nói thời gian biển động sẽ kéo dài, động tố nói về việc biển động bất ngờ, đây cũng là tháng mà có lẽ chưa nên vội đi biển.

Đi Lý Sơn bằng những phương tiện nào?



Máy bay


Sân bay gần nhất để có thể di chuyển ra cảng Sa Kỳ (nơi có tàu cao tốc đi Lý Sơn) là sân bay Chu Lai của Quảng Nam, mỗi tuần từ Hà Nội có 3 chuyến bay tới Chu Lai với giá vé khứ hồi khoảng 3 triệu đồng, từ Sài Gòn với giá vé khứ hồi khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu đi bằng máy bay các bạn nên thuê một chuyến xe để đi bởi khoảng cách từ sân bay Chu Lai đến cảng Sa Kỳ vào quãng 50km.

Ô tô khách

Từ Hà Nội và Sài Gòn có rất nhiều hãng xe chất lượng cao đến Quảng Ngãi, các bạn có thể liên hệ các nhà xe để đặt vé trước (từ 2 – 5 ngày tùy vào thời điểm chuyến đi của bạn, vào những dịp nghỉ lễ thì cần đặt sớm nếu không sẽ không có vé). Xe khách giường nằm đi Quảng Ngãi từ Hà Nội và Sài Gòn, bạn có thể liên hệ The Sinh Tourist, Camel hoặc Hoàng Long.

Tàu hỏa

Mỗi ngày từ 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn có 5 chuyến tàu Thống Nhất ra vào Bắc Nam, tùy vào khoảng thời gian của mình mà bạn có thể chọn giờ tàu cho phù hợp (Các tàu số lẻ đi từ Hà Nội vào, các tàu số chẵn đi từ Sài Gòn ra).

Sau khi di chuyển tới Quảng Ngãi nếu đoàn đông các bạn nên thuê một chiếc taxi đi từ Trung tâm TP. Quảng Ngãi ra tới cảng Sa Kỳ (khoảng cách khoảng 20km) hoặc để tiết kiệm chi phí các bạn có thể sử dụng tuyến xe buýt số 03 có lịch trình chạy Bến xe Quảng Ngãi – Cảng Sa Kỳ. Tuy nhiên lưu ý với các bạn là phải đi chuyến xe buýt sớm nhất lúc 5h sáng để đảm bảo có thể ra được cảng sớm và không bị lỡ tàu (thời gian đi của chuyến xe buýt khoảng 1 tiếng).

Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn đồng thời có 3 chuyến tàu cao tốc ra đảo và vào đất liền. Tàu rời cảng trong khoảng từ 7h30 đến 9h giờ. Phòng vé được mở cửa vào 6h30 hàng ngày, mỗi người xếp hàng sẽ được mua 2 vé, khi mua vé sẽ phải khai báo họ tên, năm sinh, địa chỉ, số CMND.

Đối với các bạn đi đoàn đông có thể đăng ký trước danh sách của đoàn (bao gồm đầy đủ các thông tin như phía trên) kèm theo số điện thoại đại diện của trưởng đoàn và fax về cho ban quản lý cảng chậm nhất trước 15h30 của ngày hôm trước ngày đi, khi đến mua vé cần mang theo danh sách gốc.

Tàu từ Đảo Lớn sang Đảo Bé khởi hành từ 8h sáng và quay lại Đảo Lớn vào lúc 14h30 hàng ngày, các bạn cũng có thể liên hệ với tàu cá của người dân để sang Đảo Bé.

Khách sạn nhà nhà nghỉ trên đảo Lý Sơn



- Nhà nghỉ ở cảng Sa Kỳ : ở ngay cảng có vài dãy nhà trọ để các bạn nghỉ qua đêm đến sáng lên tàu đi đảo Lý Sơn, nhà trọ ở đầy là dạng phòng tập thể chỉ có 50.000 vnđ/người, ngủ để chờ sáng mai đi tàu nên cũng hơi phức tạp tý nhưng đôi khi cũng rất vui quen bạn mới. Còn không thì các bạn có thể mướn 1 phòng 2 người ở gần đó 120.000 vnđ/phòng đây cũng là dãy nhà nghỉ chứ ko phải khách sạn.

- Nhà nghỉ đảo Lý Sơn : mới được kéo điện không lâu, hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng chưa được đầu tư nhiều. Hiện trên đảo có khách sạn Lý Sơn là có qui mô lớn nhất giá hơi chát 1.000.000 vnđ/phòng 2 người, cũng là nơi nghỉ chân được nhiều khách du lịch lựa chọn nhất.

Ngoài ra thì xung quanh khách sạn Lý Sơn cũng có một vài nhà nghỉ nhỏ giá rất rẻ. Giá tầm 200.000 vnđ -> 250.000 vnđ/phòng/2 người

Nhưng với một số du khách thì họ hoàn toàn không cần phải thuê khách sạn hay nhà nghỉ mà dựng lều ngay trên các hòn đảo nhỏ để cùng nhau trải nghiệm đúng chất cảm giác khám phá vùng đất hoang sơ.

>> Xem thêm giá phòng Khách sạn Lý Sơn
>> Kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn giá rẻ