Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Giếng 'vua' không bao giờ cạn ở Lý Sơn được công nhận là di tích

Giếng cổ Xó La ở đảo Lý Sơn
Giếng cổ Xó La (còn gọi là giếng 'vua') ở Lý Sơn chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m nhưng nước luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn.

Chiều 30.8, UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với giếng Xó La nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh.

Giếng cổ Xó La có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.

>> Đề nghị đầu tư 3,5 tỷ đồng phục vụ Khu bảo tồn biển Lý Sơn

Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có “tuổi” ít nhất là 5 thế kỷ.

Tuy chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không nhiễm mặn như hầu hết các giếng nước trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, thời kỳ đỉnh điểm mùa khô trong khi hơn 1.000 giếng nước trên đảo Lý Sơn đều kiệt nguồn nước thì chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt.

Nước giếng cổ Xó La luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn
Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm. Một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn. Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên rất có thể mạch nước giếng này có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu trên núi xuống chân núi.

>> Homestay ở huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi

Nước giếng cổ Xó La luôn trong, xanh, ngọt, khi sử dụng nước giếng để pha trà, nấu rượu đều tạo nên một hương vị riêng, đậm đà và thơm. Vì thế, trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng Xó La bán lại cho người dùng.

Hiển Cừ
Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/gieng-vua-khong-bao-gio-can-o-ly-son-duoc-cong-nhan-la-di-tich-870877.html

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Đề nghị đầu tư 3,5 tỷ đồng phục vụ Khu bảo tồn biển Lý Sơn

Khu bảo tồn biển Lý Sơn có diện tích gần 8.000ha, trong đó chia 3 khu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô; vùng phục hồi sinh thái; vùng phát triển. 


Ngày 2-8, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Lý Sơn, cho biết, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã đề nghị BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt chủ đầu tư) nghiên cứu bố trí 3,5 tỷ đồng  phục vụ Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Biển Lý Sơn mang lại nguồn lợi cho người dân. Ảnh: Nguyễn Trang
Theo ông Dũng, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu bố trí 3,5 tỷ đồng để phục vụ công việc mua sắm các thiết bị máy móc, chuyên dụng như ca nô, camera dưới nước, thiết bị lặn, thả phao nhựa ít nhất 300 phao phân vùng…. tạo điều kiện nghiên cứu các loài hải sản đặc trưng vùng biển Lý Sơn. Hiện BQL chỉ có văn phòng làm việc, riêng khu trưng bày vẫn còn hạn chế.

Ông Dũng cho biết, kể từ sau khi thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn hồi năm 2016, BQL đến nay chỉ có 5 người và không có trang thiết bị phục vụ nào nên gây khó khăn cho công tác bảo tồn biển. Các thành viên chủ yếu đi vòng quanh đảo quan sát các hoạt động ngư dân, công ty, tàu thuyền hoạt động xung quanh để giám sát và ghi chép.

Biển Lý Sơn mang lại nguồn lợi cho người dân. Ảnh: Nguyễn Trang
Khu bảo tồn biển Lý Sơn có diện tích gần 8.000ha, trong đó chia 3 khu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô; vùng phục hồi sinh thái; vùng phát triển. Vành đai bảo vệ khu bảo tồn diện tích 2.500ha.

Vừa qua, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã tổ chức tập huấn tuyên truyền cho gần 700 ngư dân về hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển.

NGUYỄN TRANG
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/de-nghi-dau-tu-35-ty-dong-phuc-vu-khu-bao-ton-bien-ly-son-459361.html

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi 2017


Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2017 sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2017 tại TP. Quảng Ngãi và các huyện ven biển trong tỉnh do UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì. 


Trong suốt thời gian diễn ra Tuần Văn hóa biển đảo tỉnh Quảng Ngãi sẽ có các chuỗi hoạt động liên quan như: Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển đảo tỉnh Quảng Ngãi”; trưng bày sách chuyên đề về chủ đề biển, đảo; đón nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia cho thắng cảnh núi Giếng Tiền, núi Thới Lới; đón bằng công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh cho thắng cảnh đảo Bé, huyện Lý Sơn; phát động cuộc thi và triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Biển đảo quê hương”; trình diễn ẩm thực vùng biển và hải đảo Quảng Ngãi cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.

Đặc biệt, chương trình khai mạc Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2017 dự kiến tổ chức tại TP. Quảng Ngãi sẽ làm điểm nhấn cho Tuần lễ Văn hóa biển đảo.

Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ quyền biển đảo Việt Nam; thể hiện sự tôn vinh, tri ân đối với các thế hệ đã hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, nhất là cho các thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân ven biển; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ngãi đến với du khách trong và ngoài nước.

Theo Chinhphu.vn

Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Quảng Ngãi đình chỉ 10 canô chở khách qua đảo Bé, Lý Sơn


Các canô chở khách từ đảo Lớn sang đảo Bé (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị đình chỉ do không đạt chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cho du khách.


Ngày 2/7, ông Hà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết sở đã đình chỉ 10 canô chở khách từ đảo Lớn qua đảo Bé, Lý Sơn.

Theo quy định, từ 1/7, các phương tiện vận chuyển khách tuyến thủy nội địa phải hội tụ đủ các điều kiện kỹ thuật về tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chỉ có 6 trong số 16 canô được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp phép đạt chuẩn.

Sáng qua, hàng trăm du khách đã mua vé từ đảo Lớn sang đảo Bé, xuất phát lúc 7h, nhưng phải quay lại khách sạn hoặc ngồi đợi ở các quán cà phê gần cầu cảng.

Hai giờ sau, khi cơ quan chức năng xác định các canô đủ điều kiện thì du khách mới được đi ra đảo. Du khách mua vé các canô bị đình chỉ phải trả lại vé, bị kẹt ở đảo Lớn.

Giám đốc Sở Giao thông Quảng Ngãi cho biết, đã ra thông báo và họp các chủ tàu cách đây hơn nửa năm. "Cách đây vài tháng chúng tôi đã báo động, vì các canô đi sóng gió không an đảm bảo an toàn cho khách. Sở đã gia hạn nhiều lần và đến giờ cũng không dám gia hạn nữa", ông Phương nói.

Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, sáng nay, địa phương đã chỉ đạo tăng chuyến số canô còn lại để đảm bảo đưa khách qua đảo Bé an toàn.

Đảo Bé cách đảo Lớn khoảng 20 phút đi tàu, có các bãi tắm và thắng cảnh hoang sơ. Nhiều du khách đến tham quan đảo Lý Sơn xem đảo Bé là địa điểm không thể bỏ qua trong lịch trình

Thạch Thảo/vnexpress

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Những ngày thi THPT quốc gia 2017, huyện đảo Lý Sơn vui như ngày hội


“Được tham dự kỳ thi xét tuyển tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học ngay tại địa phương mình đó không chỉ là niềm vui của các em học sinh, mà còn là niềm vui của phụ huynh học sinh, nhân dân trên cả nước. Vui mừng, phấn khởi vì từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên học sinh học được thi tại địa phương. Niềm vui, hạnh phúc đó như càng lớn hơn đối với thí sinh là con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi”.
Đó là lời chia sẻ của nhà báo Lê Hùng – một người con của huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hòn đảo tiền tiêu giữa muôn trùng sóng gió.


Nhà báo Lê Hùng tâm sự: Trong những ngày qua, qua theo dõi các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2017, được chứng kiến, lắng nghe những lời tâm sự, chia sẻ đầy niềm vui, phấn khởi của thí sinh, phụ huynh, người dân trên cả nước về kỳ thi, tôi thực sự cảm thấy xúc động. Những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của các em mỗi buổi thi đã cho thấy nỗi lo, áp lực về những kỳ thi nay đều tan biến, không còn nữa.

Được tham dự kỳ thi ngay tại địa phương mình, nên trong những ngày tham dự kỳ thi, bên cạnh các em không chỉ có bố mẹ, anh chị luôn túc trực động viên, chăm sóc, mà còn có cả sự chung tay của cả xã hội, nhất là sự tận tình, ân cần chăm sóc, giúp đỡ của cán bộ, thầy cô trường học nơi mình học tập, rèn luyện. Bất kể lúc nào, hễ thí sinh gặp khó khăn, vướng mắc trong ăn ở, sinh hoạt, hay mang nỗi buồn lo vì kết quả làm bài thi ngoài điều mong ước…thì tập thể cán bộ, giáo viên, người thân luôn có mặt kịp thời động viên, cỗ vũ tinh thần, lấy lại niềm tin tham dự kỳ thi.

Đáp lại những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp đó, các thí sinh càng nỗ lực, phấn đấu tham dự kỳ thi với tinh thần làm bài cao nhất. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các thí sinh không chỉ chăm chỉ học tập trong suốt quá trình ở trường, ở lớp…mà còn tranh thủ, tận dụng mọi thời gian để cũng cố kiến thức.

Thật vui, có một ngày con em học sinh huyện đảo Lý Sơn thôi vất vả, âu lo mỗi khi kỳ thi tới. Những chuyến vượt thuyền đạp sóng vào bờ, vật vờ trên những chuyến xe khách vào Nam, ra Bắc, chật vật ở trọ để tham dự kỳ thi xét tuyển đại học đã thành những kỷ niệm đáng nhớ và khó quên. Mỗi chuyến vượt biển vào đất liên đi thi của con em học sinh Lý Sơn chở đầy nỗi lo, bởi vậy mà con đường học tập của học sinh lý sơn cứ chồng chềnh, gian khó theo từng con sóng. Để rồi niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa đến bất ngờ, ngay cả với lũ hoc trò trên đảo, những người dân mặn mòi vị biển, bất ngờ với cả những người con xa quê hương như tôi. Tôi đã chực khóc khi một người bạn đồng nghiệp ở đảo nơi tôi sinh ra gọi điện bảo: “Kỳ thi THPT quốc gia 2017 ngay trên hòn đảo tiền tiêu, những ngày kỳ thi diễn ra, đảo vui như ngày hội”, nhà báo Lê Hùng xúc động.

Bởi nói như lời chia sẻ của phóng viên Phạm Văn Mịnh – Đài phát thanh huyện đảo Lý Sơn nói với chúng tôi trong sáng 22/6 – ngày đầu tiên thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017: Bao nhiêu năm gắn bó với huyện đảo Lý Sơn, tôi chưa bao giờ chứng kiến một niềm vui, niềm xúc động nào đến vậy, khi các em học sinh, thầy cô giáo trên đảo hát vang bài quốc ca trước lễ khai mạc kỳ thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trên huyện đảo Lý Sơn chỉ có 223 thí sinh của huyện đảo Lý Sơn tham dự kỳ thi là 223 gương mặt, ánh mắt, nụ cười tươi xinh, trong veo, hồn nhiên đến lạ. Niềm vui của các em là niềm vui chung của cha mẹ, gia đình và của người dân trên huyện đảo tiền tiêu nghèo khó này.

Phóng viên Phạm Văn Mịnh cho hay: Để tổ chức kỳ thi, Ban chỉ đạo thi đã phối hợp với lượng công an áp tải để vận chuyển từ đất liền ra đảo bằng tàu cao tốc. Để kỳ thi diễn ra an toàn và đạt kết quả, ngoài việc thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, sao in đề thi, thì các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp chuẩn bị mọi phương án cụ thể đề phòng sự cố bất thường có thể xảy ra. Cán bộ coi thi cũng được huy động ra đảo làm nhiệm vụ, bất chấp khó khăn, vất vả…

Những điều thực tế cụ thể đó đã nói lên rằng, để tạo nên một kỳ thi thành công, sự thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, nỗi lo cho người dân, phụ huynh thí sinh…từ cán bộ coi thi, đến đơn vị tổ chức kỳ thi đã phải làm việc hết sức vất vả, đầy trách nhiệm. Trong đó, điều đáng kể hơn cả là sự hy sinh, cống hiến lặng thầm, trực tiếp của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng khó…

Hơn hết đó là sự nỗ lực thực hiện triển khai những chủ trương về đổi mới giáo dục và đào tạo mà Bộ GD&ĐT, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện trong thời gian qua.

Đại Khải – Phú Minh
Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhung-ngay-thi-thpt-quoc-gia-2017-huyen-dao-ly-son-vui-nhu-ngay-hoi-3458381-c.html

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Làng bích họa "nhất cử lưỡng tiện" trên đảo tiền tiêu Lý Sơn


Cùng với tuyên truyền bảo vệ môi trường và sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, việc tạo làng bích họa ở đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã nhận được sự đồng tình của đông người dân trên đảo. Nhiều người ví von đây là "nét sơn mới" để đảo được đẹp hơn.


Xã đảo An Bình (Lý Sơn) cách đất liền hơn 20 cây số. Sự xuất hiện của những họa sĩ đến vẽ trên hàng loạt tường nhà những bức tranh đầy màu sắc đã thu hút sự quan tâm của tất cả cư dân hơn 500 người ở đảo này.

Nhìn những tình nguyện viên đang đội nắng để sơn hoàn tất một phong cảnh của biển, bà Nguyễn Thị Lý (53 tuổi) tâm sự: "Những bức vẽ trên tường nhà làm nơi đây trông đẹp hơn rất nhiều".


Trưa 3.6, nói về ý tưởng này với PV Dân Việt, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư huyện Lý Sơn - chia sẻ: "Vào tháng 3.2017, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) có văn bản gửi nội dung chọn Lý Sơn để vẽ tranh bích họa tuyên tuyền bảo vệ môi trường và rùa biển, với thông điệp 'Tôi yêu biển đảo//Sinh ra để sống hoang dã'".

Những bức vẽ bích hoạt sẽ tạo cho đảo một điểm nhấn mới để thu hút du khách. Người dân đảo Bé khi được hỏi ý kiến cũng tán thành gần như 100%.

Bác Nguyễn Văn Nuôi (60 tuổi, người dân đảo Bé) bày tỏ: "Thay trên những bức tường rêu cũ bởi nắng và gió bằng các bức tranh đẹp và ý nghĩa giáo dục cho con cháu như vậy thì tốt hơn rất nhiều".

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết thêm: "Sau khi hoàn thành làng bích họa tại đảo Bé, các cấp ngành Lý Sơn sẽ cùng với các đơn vị phối hợp thực hiện có đánh giá cụ thể; tham khảo ý kiến của người dân, du khách... trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định tiếp theo".


“Thông qua các bức bích họa, chúng tôi mong muốn đảo Bé sẽ trở thành một điểm đến của du lịch cộng đồng, giảm bớt áp lực khai thác các nguồn lợi thủy sản, giúp người dân tăng cường nhận thức trong việc bảo vệ môi trường biển và các động vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng", bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý chương trình biển và vùng bờ IUCN - bày tỏ.

Thời gian hoàn thành làng bích họa khoảng 1 tuần (từ ngày 1 - 6.6). Ngoài ra, nhóm tình nguyện trên còn tiến hành quét dọn, sơn và tân trang 25 ngôi nhà đã xuống cấp, cũ kỹ... cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/lang-bich-hoa-nhat-cu-luong-tien-tren-dao-tien-tieu-ly-son-775894.html

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Gần 100 ngư dân Lý Sơn được phổ biến kiến thức an toàn biển

Chiều 30/5, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bộ GTVT cùng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tổ chức lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định về tìm kiếm cứu nạn, an toàn đi biển.
Phát biểu khai mạc lớp tuyên truyền, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, thời gian gần đây, có một số tàu quân sự, tàu đánh cá xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và cố tình đâm va với tàu cá, tàu của lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam trên biển.

Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thực hiện Công ước SAR 79, ngày 30/5/2014, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 2030/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp TKCN hàng hải của các lực lượng ngành GTVT; Quyết định số 680/QĐ-BGTVT ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc thành lập Đoàn công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về TKCN, thực hiện Công ước quốc tế về TKCN hàng hải năm 1979 của Bộ GTVT năm 2017 tại Thái Bình và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Tại buổi tuyên truyền, gần 100 ngư dân được nhận bộ thông tin hướng dẫn an toàn đi biển, được phổ biến kiến thức về xử lý, ứng phó sự cố trên biển; cách điều khiển tàu thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão; cách sử dụng túi thuốc y tế trên tàu cá; cách sơ cấp cứu ban đầu, duy trì sự sống trên biển..


Trực tiếp khuyến cáo đến ngư dân các nguyên tắc an toàn trên biển, ông Hồ Xuân Phong - đại diện Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực II (Đà Nẵng) nhấn mạnh các tín hiệu quốc tế (còi, đèn, hình thể...) ngư dân có thể sử dụng khi hoạt động đối với tàu bạn; kênh, tần số liên lạc với cơ quan TKCN khi gặp sự cố hoặc phát hiện tàu gặp sự cố; cách tránh vượt tàu trong luồng lạch...

Bác sĩ Trần Ngọc Quang - tàu cứu nạn SAR 412 cũng thị phạm cho ngư dân, chủ tàu thuyền cách sơ cấp cứu đơn giản cho thuyền viên bị nạn trên tàu như băng bó vết thương, cố định xương gãy, sơ cứu bỏng, tận dụng thuốc men có sẵn nhằm duy trì sự sống trước khi lực lượng TKCN tiếp cận được tàu cá.

Qua đó, các ngư dân, chủ tàu thuyền, chủ phương tiện vận tải đã trao đổi, cung cấp cho ban tổ chức những thông tin, kinh nghiệm thực tế trong công tác tuyên truyền về an toàn tàu thuyền, công tác TKCN nhằm góp phần vào việc tổ chức thực hiện tốt các quy định về TKCN nói riêng và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước SAR 79 nói chung.

Dịp này, Bộ GTVT cũng trao 80 áo phao cùng phần quà cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Tấn Việt/baogiaothong.vn

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Nguy cơ huyện đảo Lý Sơn biến thành các đảo bêtông hóa vô hồn


Nằm cách đảo Lớn, Lý Sơn khoảng 3 hải lý về phía Tây Bắc, xã đảo An Bình (hay còn gọi là đảo Bé) có diện tích chưa đầy 1km2 với khoảng 100 hộ dân sinh sống.
Vài năm trở lại đây, song song với đảo Lớn, đảo Bé trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách với quần thể trầm tích núi lửa hàng triệu năm xếp thành vòng cung hướng ra biển, tạo thành những bãi tắm tuyệt đẹp.

Cư dân trên đất đảo vẫn gắn bó với nghề nông truyền thống như trồng tỏi, hành… xa hơn là làm du lich ly son kiểu “cây nhà lá vườn” với những khung cảnh còn khá hoang sơ, thơ mộng chưa bị nhân tạo nhiều.

Nhận thấy giá trị và tiềm năng của đảo Bé trong việc góp phần phát triển du lịch của địa phương này nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung, nhiều cấp, ngành, chức năng đã vào cuộc quyết liệt, bảo vệ đảo Bé trước làn sóng bêtông hóa ồ ạt.

Nói như vậy không quá ngoa bởi lẽ giờ đây, khi ra đảo Lớn (Lý Sơn), chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự phát triển vượt bậc, nhất là từ khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo. Nhà cao tầng, đường giao thông và nhiều công trình khác đua nhau mọc lên, những ruộng hành, ruộng tỏi trải dài, mướt mát dần thu hẹp.

Những người yêu hòn đảo cho rằng Lý Sơn chẳng còn kỳ vĩ, ấn tượng như trước mà trở nên “vô hồn” khi những mảng bêtông to lớn án ngữ, đâu đâu cũng có, nhiều vô kể, dù rằng cơ sở vật chất hiện đại gấp bội phần.

Chuyến "vi hành" cùng đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ dẫn đầu mới đây cho thấy, nhiều kẽ hở lộ ra khá rõ rệt.

Chặng đường tầm hơn 4km men theo bờ biển từ hang Câu dẫn đến cuối chân chùa Hang dường như dài hơn rất nhiều với vị lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ. Ông liên tục thở dài, không phải vì mệt mà vì tiếc nuối, bởi ở Lý Sơn bây giờ không còn những hình ảnh hoang sơ từ những ngày đầu ông ra đây nghiên cứu, khám phá.

Ông liên tục bấm máy, ghi lại nhiều khung hình khác nhau vì sợ sau này không còn điều kiện để chụp, mà chụp cũng không còn vẻ đẹp hoang sơ nữa.

Tại cuộc họp mới đây giữa đoàn công tác của tỉnh với huyện Lý Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Đăng Vũ lại một lần nữa bác bỏ đề xuất về việc bêtông hóa đảo Bé mà một số đại biểu nêu ra.

Đáng chú ý là kiến nghị từ phía Sở Xây dựng. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng cho hay, quan điểm của Sở là không đồng ý với đề xuất của Công ty Đoàn Ánh Dương (công ty nổi tiếng về lĩnh vực nghiên cứu địa chất, di sản văn hóa dưới nước) rằng phải giữ nguyên trạng đảo Bé như bây giờ, không tác động gì nhiều đến cảnh quan.

“Chúng ta phải đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, các cơ sở homestay trên đảo Bé thì mới phục vụ tốt du khách được; phải quy hoạch lại, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản để phát triển lâu dài”- ông Hoàng nói.

Kết luận về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhấn mạnh cần giữ nguyên trạng đảo Bé, chỉ trong trường hợp sạt lở, gây mất đất cục bộ, cần thiết phải khắc phục thì mới tính tớiphương án xây kè giữ đất chứ không xây ồ ạt làm mất cảnh quản vốn có.

Ông cũng chỉ đạo, đường đi trên đảo Bé phải là đường đi bộ không nhất thiết phải bêtông. Càng đơn giản, hoang sơ thì càng đẹp, mà du khách đến với Lý Sơn cũng vì điều đó. "Nếu xây dựng mà gây nguy hại đến di tích văn hóa, đến danh lam thắng cảnh, địa mạo thì tỉnh tuyệt đối không cho phép,” ông Chữ quả quyết.

Với sự quả quyết của người đứng đầu, đảo Bé vẫn có cơ hội “giữ mình” trước làn sóng bêtông hóa mạnh mẽ, trở thành điểm sáng giữa biển khơi; nép mình hoang dại sau “người anh” đảo Lớn đã bị đô thị hóa nhiều rồi./.

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Bạn trẻ ra mắt dự án 60 ngày “mở mang giáo dục” ở Lý Sơn

Dự án “60Days” với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục, môi trường ngay tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được nhóm bạn trẻ ICE giới thiệu tại sự kiện “Tuổi Trẻ: Gieo trí thức - Gặt tương lai”, diễn ra vào chiều 23/4 tại TPHCM.
Võ Tường An giới chia sẻ cùng bạn trẻ về những mục tiêu thiện nguyện mà ICE đã thực hiện và hướng đến trong thời gian sắp tới
Buổi gặp gỡ toàn những người trẻ ngay từ chính những người thực hiện chương trình cho đến diễn giả chia sẻ, và tất nhiên, hơn 500 người tham dự cũng là những bạn trẻ đến từ các các trường học trên địa bàn TPHCM.

Diễn giả khách mời gồm ca sĩ Hà Anh Tuấn, anh Nguyễn Hữu Trí - nhà sáng lập Trung tâm giáo dục Awake Your Power, chị Tống Khánh Linh (Helly Tống) - nhà sáng lập The Yên Concept và “cô bé hạt tiêu” Võ Tường An - người khai sinh mạng lưới International Catalysts for Empowerment (ICE) tại Việt Nam. Các diễn giả lần lượt chia sẻ và đối thoại với bạn trẻ về những giá trị mà mỗi người đóng góp cho cộng đồng xã hội, niềm hạnh phúc khi làm được những việc có ích và nhận lại những niềm vui.

Là diễn giả khách mời, ca sĩ Hà Anh Tuấn mang đến sự kiện câu chuyện về lòng biết ơn với những điều kiện tốt mà mỗi người nhận lấy

Song song với những câu chuyện nêu bật giá trị của hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, tại buổi gặp gỡ, các bạn trẻ thành viên ICE Việt Nam đã giới thiệu về dự án tình nguyện hè “60Days”. Dự án sẽ được triển khai tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong vòng 60 ngày liên tục. Khi đến đây, những tình nguyện viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực bằng tất cả tâm huyết và năng lực của những người trẻ.

Các diễn giả truyền đến bạn trẻ có mặt tại sự kiện những khát vọng đóng góp thiện nguyện cho cộng đồng xã hội

Hiện dự án đang trong giai đoạn tuyển thành viên đủ điều kiện tham gia chương trình. Tất cả những tình nguyện viên sẽ phải tham gia dự án hoàn toàn tại đảo Lý Sơn trong vòng 60 ngày vào mùa hè này. Mọi chi phí ăn ở, đi lại của tình nguyện viên sẽ được dự án đài thọ.
Vào năm 2014, International Catalysts for Empowerment (ICE) chính thức được thành lập từ chương trình Học giả trẻ toàn cầu tại Đại học Yale (Yale Young Global Scholars) với sứ mệnh Hỗ trợ - Đồng Hành - Kết nối các thế hệ trẻ qua giáo dục.

Sau hơn 2 năm hoạt động, tính tới thời điểm hiện tại, ICE đã có mặt tại Texas (Mỹ), Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam. “Riêng tại Việt Nam, chúng tôi chia sẻ sứ mệnh này với các bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành, hiện đang sinh sống tại TPHCM và Hà Nội để cùng xây dựng mạng lưới và khuyến khích các thành viên phát triển tư duy độc lập, cải tiến sáng tạo và thách thức những giới hạn của bản thân”, Võ Tường An, đồng sáng lập và điều hành mạng lưới ICE, nói.

Năm 2017, ICE Vietnam thực hiện dự án hè 60Days tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và dự án Tài năng trẻ tại tỉnh Đắk Lắk. “Chúng tôi định hướng kết nối và đưa các bạn trẻ đến với hành trình tìm và bắt tay vào những giải pháp để cải thiện các vấn đề về giáo dục, môi trường và văn hoá”, Tường An chia sẻ.

Võ Tường An tốt nghiệp trường THPT John Bapst Memorial, Mỹ, hiện đang thực hiện các dự án xã hội tại Việt Nam, trước khi trở lại Mỹ để theo học ngành Chính trị tại Đại học Stanford.

Nguồn: tienphong.vn

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề tri ân đội dân binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ những hùng binh đã từng ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền hàng trăm năm trước.
Sáng 12-4 (nhằm ngày 16-3 Âm Lịch), tại đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Sở VHTTDL Quảng Ngãi phối hợp UBND huyện Lý Sơn cùng các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của đội dân binh Hoàng Sa năm xưa đã có công đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước.


Buổi lễ diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, thu hút hàng ngàn người dân Lý Sơn và du khách khắp nơi tham gia. Sau phần lễ chính ở đền làng, hội đua thuyền tứ linh (Long , Lân, Quy, Phụng) cũng được tổ chức dưới sự chứng kiến hàng ngàn người dân, du khách.


Theo sử sách ghi lại, vào đầu thế kỷ 17, khi vào trấn nhậm phía nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đến đầu thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách này. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa, thời gian keó dài từ tháng 2 âm lịch đến thàng 8 thì về.

Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương vì nước quên thân vì chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Tuy nhiên, thời đó do tàu thuyền còn hạn chế nên phần lớn những binh phu lên đường làm nhiệm vụ đều không trở về quê hương. Hiện nay, tên tuổi của những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của tổ quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa được sử sách ghi lại và Lễ khao lề thế lình Hoàng Sa được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ những người đã ngã xuống.



Tử Trực/ nld.com.vn

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Nữ cử nhân bỏ việc về trồng tỏi sạch Lý Sơn, bán 150.000 đồng/kg

Không lựa chọn đi theo ngành đã học, chị Nguyễn Thị Mỹ Yến (sinh 1988), ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) quyết định trở về quê để thực hiện mô hình tỏi sạch, loại nông sản được ví von là “vàng trắng” của vùng đất nơi đây.
Sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị nhân sự, trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh vào năm 2011, chị Yến đã xin và được nhận vào làm tại một cơ sở đúng chuyên ngành với mức lương khá. Nhưng nhận nhận thấy bao năm qua, loại nông sản vốn được ví gọi là “vàng trắng”, mang lại nguồn thu chính cho hàng ngàn hộ dân quê nhà cứ mãi lao đao do giá cả lên xuống thất thường; phần bị nghi ngờ do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng. Chị Yến quyết định tạo dựng cho loại nông sản này một chỗ đứng thật vững chắc trong thị trường.


Vào tháng 10.2016, sau khi hội ý và nhận được sự đồng tình của người thân, chị Yến rời bỏ công việc tại Tp.Hồ Chính Minh, để trở về quê đầu tư làm mô hình tỏi sạch. Cùng với số tiền tích cóp, chị Yến đã mượn thêm để đầu tư gần 100 triệu đồng trồng 2000m2 tỏi sạch. Chị Yến chia sẻ: “Vì là thí điểm nên qui trình làm đất kĩ hơn, quá trình trồng do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên việc bắt sâu gây hại và làm sạch cỏ đều bằng thủ công...dẫn đến chi phí cao hơn”.

Bình thường chi phí cho 1 sào (500m2/sào) tỏi, gồm: Giống, phân, công...từ 15-18 triệu đồng, với cách trồng “sạch” tốn đến 20-25 triệu đồng/sào. Sản lượng thu hoạch đạt năng suất từ 300-400 kg tỏi tươi/sào, ít hơn so với trồng truyền thống từ 100-200 kg/ sào. Bên cạnh đó tỏi củ trồng theo phương pháp này kích cỡ nhỏ và hình thức xấu hơn.

Hiện giá tỏi “sạch” bán tại đảo vào khoảng 150.000 đồng/ kg khô, cao hơn so với tỏi trồng truyền thống khoảng 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên bù lại chất lượng và hương vị hơn hẳn, được người tiêu dùng chuộng hơn.

Chị Yến không giấu giếm: Vụ tới tôi sẽ đầu tư nhân rộng diện tích nhiều hơn, nhằm giới thiệu và đưa ra thị trường loại nông sản có chất lượng và hương vị đúng như tên gọi “vàng trắng”.

Công Xuân/ Dân Việt

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Cụ ông 81 tuổi ở đảo Bé bỏ tiền túi làm 'cây cầu du lịch'

Đó là cụ Bùi Hoàng ở xã An Bình (còn gọi là đảo Bé) thuộc huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).



Trước nhà cụ Hoàng có ghềnh đá trầm tích nhô lên trên mặt biển nhưng do nằm cách mép bờ chừng 15m, nước khá sâu nên nhiều du khách khi đến đây đều tiếc nuối vì không thể lội ra để chiêm ngưỡng những con sóng xô vào vách đá, tung bọt trắng xóa rất đẹp hay chụp ảnh lưu niệm trước khung cảnh thanh bình, lãng mạn.


Thấy vậy, đầu năm 2017, cụ Hoàng dốc hết số tiền dành dụm được hơn 20 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công làm cây cầu bằng cây gỗ dài hơn 20m bắt qua ghềnh đá phục vụ du khách, thu phí mỗi người chỉ 5.000 đồng.

“Ngày nào vợ chồng tui cũng ra cây cầu kiểm tra các mối dây có bị lỏng hay không để cột lại cho an toàn. Tuy vất vả một chút nhưng cũng kiếm hơn 100.000 đồng/ngày, đủ hai vợ chồng già trang trải cuộc sống. Như vậy là vui lắm rồi”, cụ Hoàng thổ lộ và nói rằng dẫu tuổi đã cao nhưng hai vợ chồng vẫn gắng sức chung tay cùng dân đảo Bé làm du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo ấn tượng thân thiện, hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến với đảo Bé.

Theo UBND xã An Bình, nhờ “cây cầu du lịch” của ông Hoàng, đảo Bé có thêm một điểm tham quan lý thú cho du khách trong và ngoài nước.

Hiển Cừ/thanhnien.vn

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Biến rác thành phân hữu cơ

Không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo mà Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn biến rác thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.



Tháng 6.2015, Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn, công suất xử lý 15 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, với tổng vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) làm chủ đầu tư đưa vào vận hành. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả, mỗi ngày chỉ xử lý theo phương pháp đốt rác thành tro và chôn lấp được 1,5 - 2 tấn rác thải nên tình trạng ô nhiễm môi trường trên đảo vẫn chưa được giải quyết triệt để, rác thải sinh hoạt người dân không biết đổ đi đâu đành vứt tứ tung hoặc đổ xuống biển.

Lý Sơn đã sạch hơn

Trước thực tế trên, đầu năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn cho Công ty TNHH thương mại - xây dựng Đa Lộc (Công ty Đa Lộc) quản lý và vận hành theo hình thức xã hội hóa. Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty Đa Lộc, cho biết sau khi tiếp nhận, công ty đã đầu tư hơn 26 tỉ đồng nâng công suất xử lý rác của nhà máy lên 50 tấn/ngày, trong đó đầu tư dây chuyền phân loại rác và lò đốt rác mới công suất 1,5 tấn/giờ, đồng thời thành lập đội thu gom, vận chuyển rác, đặt nhiều thùng đựng rác trên các tuyến đường chính, các điểm tham quan, du lịch.
Đối với xã An Bình (còn gọi là đảo Bé), công ty thu gom và thuê tàu vận chuyển về nhà máy xử lý. “Trong thời gian qua, anh em công nhân làm việc cật lực với phương châm chừng nào thu gom hết rác đưa về nhà máy mới nghỉ. Vì thế, toàn bộ lượng rác thải trên đảo đều được xử lý”, ông Nam khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn được xã hội hóa góp phần đáng kể vào việc hơn 80% số hộ đăng ký tham gia thu gom rác, qua đó làm cho đảo Lý Sơn ngày càng sạch hơn. Các điểm ô nhiễm môi trường, nhất là ven bờ biển quanh đảo, không còn đầy rác rưởi bốc mùi hôi thối như trước.

Sản xuất 5 tấn phân hữu cơ mỗi ngày

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, đặc thù trên đảo Lý Sơn diện tích đất quá ít nên phải hạn chế đến mức tối đa việc chôn lấp. Do vậy, toàn bộ lượng rác thải sau khi tập kết về nhà máy đều được đưa vào hệ thống xé bao, hệ thống sàng, phân loại, trong đó tách lượng đất, đá để chôn lấp chỉ 3%, rác thải đốt chiếm 45 - 48%, số còn lại là phần rác hữu cơ đưa vào ủ phối trộn thêm vi sinh vật, chế phẩm, sau đó nghiền sàng chế biến thành sản phẩm phân hữu cơ. Ông Nam cho biết thêm: Mỗi ngày nhà máy ở Lý Sơn sản xuất được hơn 5 tấn phân hữu cơ.

Trả lời Thanh Niên, bà Dương Thị Nga, một nông dân ở xã An Vĩnh, cho biết lâu nay nông dân đất đảo có thói quen dùng phân hóa học hoặc tự ủ lá cây để bón lót cho cây trồng nên ban đầu nhiều người ngại ngùng với phân hữu cơ làm từ rác. Tuy nhiên, sau những vụ mùa sử dụng thấy hiệu quả, bà con nông dân mua rất nhiều, thậm chí có thời điểm nhà máy không còn phân hữu cơ để bán.
“Sử dụng phân hữu cơ từ rác không những giá rẻ, giảm chi phí so với phân hóa học bình quân mỗi sào vài trăm ngàn đồng, mà còn cải tạo đất tơi xốp, năng suất hành, tỏi rất đạt”, bà Nga chia sẻ và cho biết thêm: Vụ tỏi đông xuân 2016 - 2017, gia đình bà dùng phân hữu cơ để bón nên 5 sào tỏi cho củ khá to, năng suất cao, với tổng sản lượng tỏi thu hoạch được hơn 2 tấn.

“Nhà máy thực sự mang lại lợi ích kép: giải quyết nạn rác thải để Lý Sơn trở thành hòn đảo xanh, sạch, đẹp, đồng thời góp phần thiết thực cho sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, nhất là khi Lý Sơn đang hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ phát triển du lịch”, ông Nguyễn Thanh nói.

Hiển Cừ / thanhnien.vn

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

'Quán nước dừa' di động phục vụ nông dân tận răng ở ruộng tỏi Lý Sơn

Đó là cách nói ví von của nông dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) về “quán nước dừa di động” của anh Trần Tiến Toàn.


Mùa này trên đảo Lý Sơn bắt đầu nóng rát. Chừng tầm 9 giờ sáng, nắng đã chói chang khiến những nông dân trên đồng ướt đẫm mồ hôi. Vì thế, nhiều người phải bỏ dở công việc đồng áng tìm đến quán bán nước dừa tươi nằm ở các khu dân cư để giải cơn khát rồi ra lại ruộng nên rất tốn thời gian.


Nắm bắt nhu cầu “thị trường” tiêu thụ nước dừa của nông dân đất đảo, cách đây hơn 1 tháng, anh Trần Tiến Toàn (30 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh) đã mở “quán nước dừa di động” để đưa ra ruộng tỏi.

“Quán nước dừa di động” là một chiếc xe máy kéo theo phía sau là cộ bằng sắt chở dừa trái, đá lạnh và các dụng cụ khác.

Mỗi ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều, anh Toàn đưa “quán nước dừa di động” rong ruổi khắp các cánh đồng trên đảo. Điều thú vị là để thay cho lời rao, anh Toàn gắn loa thùng phát ra những lời hát về cây dừa. Nghe âm thanh quen thuộc này, những nông dân có nhu cầu giải khát biết ngay “quán nước dừa di động” đã đến.

Anh Toàn bộc bạch: “Mỗi trái dừa tươi tui bán 20 ngàn đồng, rong ruổi cả ngày cũng bán được 40-50 trái, kiếm lời hơn 200 ngàn đồng. Được ngần ấy tiền là có gạo ăn rồi”.

Bà Dương Thị Nga, một nông dân đất đảo nói rằng việc anh Toàn đưa “nước dừa ra ruộng tỏi” với giá cả phải chăng là cách buôn bán mới lạ trên đảo, giúp nông dân dịu cơn khát ngay trên đồng sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc, đồng thời khỏi mất thời gian đến các quán nước cách xa đồng ruộng như trước kia.

Hiển Cừ/ thanhnien.vn

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Ba biến tấu lạ miệng từ rong biển Lý Sơn

Gỏi rong biển, chè rong biển, rong biển khô ngay tại đảo Lý Sơn là những món ăn được sử dụng để xoa dịu cơn nắng nóng đầu hè.


Mỗi khi đến một vùng biển đảo, người ta thường nghĩ ngay đến các loại hải sản. Tạm gác qua cua huỳnh đế, cá tà ma, ốc vú nàng… bạn đừng quên tìm đến "rau xanh" từ biển cả Lý Sơn - loại nguyên liệu bình dân nhưng mang nhiều giá trị dinh dưỡng.

Bún biển
Thứ "bún trộn" ở vùng đảo xa này có thể dùng để nhấm nháp buổi chiều muộn hoặc ăn trong bữa cơm với cá kho đều ngon. Ảnh: Thieunien.

Tên gọi đặc biệt này được dùng riêng cho món gỏi rong biển ở đảo ngọc. Loài sinh vật biển này có hình thù trông như những sợi bún trên đất liền, chỉ khác là trong vắt, có nhiều màu sắc từ xanh mướt đến vàng mơ. Thường người ta sẽ sử dụng rong biển cọng bé vì có nhiều dinh dưỡng hơn.

Rong biển không hề tanh bởi được người dân rửa qua nước có vắt cốt chanh nhiều lần. Chỉ cần luộc chín tới, rong biển giữ được độ dai giòn vừa phải.

Nhiều nơi cầu kỳ làm gỏi rong biển với tôm thịt, sụn gà, bò khô… Tuy nhiên, ở Lý Sơn, rong biển chỉ cần đem trộn với lạc rang giã nhỏ, rau húng, rưới nước mắm tỏi ớt, dầu phi, nước cốt chanh lên trên là đủ để có một món ăn nhớ mãi cho thực khách bốn phương.

Chè rau câu rong biển
Người mới thưởng thức lần đầu có thể sẽ chưa quen với mùi hơi nặng vị biển của món ăn này. Tuy nhiên mùi thơm cay nồng nàn của gừng tươi thái mỏng sẽ làm át đi gần hết, rồi càng ăn bạn sẽ chỉ càng thêm thích thú. Ảnh: Foody.

Được gọi là chè nhưng rau câu rong biển có thể xắt thành miếng và cầm trên tay như bánh, bởi nước chè rong biển có thể tự đông sau khi nấu mà không cần bất cứ chất phụ gia nào.

Giữa ngày hè oi bức, cắn một miếng thạch trong veo, vàng thanh, ngọt dịu, tất cả khó chịu từ thời tiết dường như biến mất, chỉ thấy cái mát từ biển khơi nhẹ nhàng trôi xuống cổ họng.

Rong biển khô
Nên lựa rong biển khô có màu ngả vàng để đảm bảo không dùng chất tẩy trắng. Ảnh: Vatgia.

Những du khách trót vương vấn với "rau biển" có thể mang loại nguyên liệu quý này về nhà bằng cách mua rong biển khô đã được làm sạch kỹ với giá hơn 200.000 đồng một kg.

Bình thường, một kg rong khô sau khi ngâm nở ra sẽ được khoảng 6 - 7 kg rong tươi, lại nhẹ và không cồng kềnh nên đặc sản này cũng trở thành quà du lịch nổi tiếng của đảo Lý Sơn. Rong biển khô sau khi ngâm sẽ có màu trắng trong, có thể sử dụng để chế biến nhiều món ăn lạ miệng và bổ dưỡng.

Lê Na/ vnexpress

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Huyền tích đường xuống âm ty ở ngôi chùa trong vách đá

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có 4 ngôi chùa và 1 tịnh xá, trong đó chùa Hang (ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải) có phong cảnh đẹp nhất và sở hữu nhiều câu chuyện huyền bí. Chùa Hang được coi như tác phẩm điêu khắc đá huyền diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Huyền tích núi lửa

Chùa Hang nằm ở phía Đông bắc núi Thới Lới - ngọn núi cao nhất trong năm ngọn núi đều là dấu tích cho sự phun trào của núi lửa trên đảo Lý Sơn. Người xưa đã tận dụng hang động nằm sâu trong lòng núi, sát bên bờ biển, để tạo dựng cảnh chùa.

Đứng từ xa quan sát, khó có thể biết được trong động lại có một kiến trúc nhân tạo mà chỉ nhìn thấy tán lá của những cây bàng biển cổ thụ. Đường lên chùa Hang cheo leo bám theo mép biển, qua nhiều bậc đá đã được tay người đẽo gọt.

Phía trước chùa Hang, trên một vách đá dựng đứng cao khoảng 20m, có khắc 4 chữ Hán, sơn màu vàng “Thiên Khổng Thạch Tự”. Ngay phía dưới vách đá có các mạch nước ngầm chảy rỉ rả suốt năm tháng tạo thành một cái “giếng trời”, rêu phong nhũ đá trông đẹp mắt một cách lạ thường.

Hiện nay, người ta cho xây dựng một bể chứa nước bằng xi măng, hứng nước mạch ngầm trong lòng núi đá để có nước ngọt phục vụ dân địa phương và du khách.

Để ra chùa Hang, chỉ có một cửa ở phía bên phải động, trước cửa có hai trụ biểu hai bên ghi hai câu đối bằng chữ Hán mà ông Trần Dự (66 tuổi, ở khu dân cư số 3, thôn Đông, xã An Hải), người đang nắm giữ gia phả họ Trần cũng như giấy tờ và trông coi chùa Hang đọc là: “Nhất trần bát đảo bồ đề địa, Vạn thiện đồng quy thiểm khổ môn”. Rồi ông giải thích rằng đôi câu đối hàm ý họ Trần là người đầu tiên lập ra chùa Hang, và mọi điều tốt đẹp đều quy về nơi cửa Phật.

Hang rộng chừng 20m, có chiều sâu khoảng 24m, chỗ cao nhất của hang cũng chỉ hơn 3m. Trong không gian hạn chế đó, người xưa đã tận dụng những nhũ đá tự nhiên để sắp xếp chỗ thờ tự.

“Ngày xưa, ở chính giữa hang đã có đặt bàn thờ Tam thế Phật là Phật A di đà, Phật tổ Như Lai và Phật Di lặc. Bên trái bàn thờ có bàn thờ Tổ sư Đạt ma với bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng trên đó ghi rõ “Phụng tự Tây phương Đông Độ lịch đại tổ sư chi linh vị”, ông Dự cho biết.


Vào khoảng tháng 4/1993, các vị thủ tự đã đặt thêm một bàn thờ phía bên phải thờ tượng Quan Công có Quan Bình và Châu Thương đứng hầu, mỗi tượng chỉ cao chừng ba tấc. Cũng trong khoảng thời gian đó, bà con nhân dân đảo Lý Sơn vào làm ăn sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh đã cúng cho chùa 3 pho tượng, được đặt phía trước bàn thờ Tam thế Phật, đó là các tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay, tượng Bồ tát Quan Thế Âm và tượng Bồ tát Địa Tạng cao 1m.

Phía bên phải của hang sắp đặt 3 bàn thờ. Gần với thành hang là bàn thờ 12 vị Diêm vương. Kế đó là bàn thờ các vị thuộc Trần tộc, có bài vị ghi danh ba người gồm Phụng tự khai sáng Trần tổ công Thành, tự Đạo Châu, hiệu Huyền Huyên linh vị; Phụng tự Trần tổ công Tiềm, tự Ấn Long, hiệu Huyền Kính, cao lão hòa thượng linh vị; Phụng tự Trần tổ công Quận, tự Ấn Ngọc, hiệu Huyền Chơn hòa thượng linh vị. Bàn thờ thứ 3 thờ 7 vị tiền hiền khai phá lập ra làng An Hải với bài vị ghi rõ: “Phụng tự tiền hiền thất tổ tiên sanh tự vị chư thần vị”.

Ở phía bên trái của hang cũng có sắp đặt 3 bàn thờ, mỗi bàn thờ cũng cách nhau 1,4m. Trong cùng là bàn thờ Giám Trai, tiếp đến là bàn thờ Ngũ Lôi, và kế đó là bàn thờ Tiền vãng (thờ những người có đóng góp sức lao động xây dựng, tôn tạo chùa Hang trước đây).

Ngay sau cổng ra vào ở phía bên phải, có bàn thờ bổn đạo thiện nam, tin nữ và 3 ban thờ những người có công xây dựng, tu bổ chùa Hang. Trên vách tường xây cũng có hai câu đối chữ Hán được ông Dự đọc là: “Tịnh độ năng nhơn tiếp dẫn chúng sanh an dưỡng quốc/ Cư sĩ tấn hỏa bảo hộ hoàn toàn lạc tây phương”.

Theo ông Dự, tương truyền, xưa kia chùa Hang là một hang động và được người dân gọi là đường xuống âm phủ. Theo quan niệm thiện - ác song hành, gian chính của chùa Hang là dành cho cái thiện, những người biết ăn năn hối lỗi. Ngược lại, người mắc tội nếu không chịu quay đầu sẽ bị đày xuống âm phủ theo hang nhỏ hơn bên cạnh.

“Trước khi có con đường bê tông chạy đến đầu dốc xuống chùa, muốn đến chùa phải men theo sườn núi đầy trắc trở. Đoạn sườn núi ăn ra phía biển người ta gọi là cái meo, là nơi nhiều người không may trượt chân rơi xuống bãi đá biển và bị thương, thậm chí là mất mạng”, ông Dự cho biết.

Cũng Dự cũng cho rằng, ở phía sau nhà ông có một cái giếng đã bị vùi lấp và đó là cái giếng thông với chùa Hang. “Chùa Hang do các bậc tiền bối của họ Trần lập nên xưa kia, vì đường đến chùa vô cùng khó khăn nên mới đào đường hầm thông với chùa Hang. Đây cũng có thể là hầm mà xưa kia, thanh niên trong làng không muốn bị giặc bắt đi lính nên đào để trốn”, ông Dự cho biết.

Tác phẩm điêu khắc đá 

Ông Dự bảo, theo gia phả của tộc họ Trần truyền lại, cách đây hơn 400 năm, không rõ dưới thời vua nào, có ông tổ họ Trần là Trần Thành làm quan lớn được nhà vua sai ra canh giữ đảo Lý Sơn. Tại đây, ông đã khai phá và lập ra chùa Hang. Sau đó, khoảng 100 năm, con cháu của ông là các ông Trần Châu, Trần Tiềm tiếp tục tôn tạo cho chùa được khang trang như ngày nay.

“Như vậy, hang động ở chùa Hang thì có từ ngàn xưa nhưng lịch sử chùa Hang ít nhất cũng đã khoảng 400 năm. Người xưa sử dụng hang đá như một  ngôi  nhà  vĩnh  cửu để lập ra chùa, đúng như sử sách ghi chép và đúng như tên chữ của chùa là Thiên Khổng Thạch”, ông Dự cho biết.

Nói về đảo Lý Sơn, mà trước đây vẫn gọi là cù lao Ré, sách “Đại Nam nhất thống chí” đã viết: “Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía Đông, xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường An Vĩnh và An Hải ở tại đấy.

Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỷ đá, hai bên hữu động có giếng nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển, thì dân phường ẩn núp ở đấy. Đất sản nhiều đậu phụng và bắp”. Ngôi chùa được “Đại Nam nhất thống chí” nói đến có lẽ chính là chùa Hang.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh chùa Hang là các vách đá tự nhiên. Do đó, đứng trong chùa Hang, nghe tiếng những hạt nước rơi tí tách từ những nhũ đá, ngửi mùi hương trầm quyện ra từ những ban thờ, người ta có cảm giac đang ở một thế giới huyền ảo, thuần khiết, thoát tục. Khí hậu trong hang vô cùng dễ chịu, trời nắng thi mát mẻ, trời lạnh thì ấm áp, là nơi ẩn núp của cư dân thời xưa mỗi khi có biến.

Vào trong chùa thắp một nén hương, khấn bái niệm Phật trong hương khói nghi ngút, ta có cảm tưởng như đang rơi vào cõi động tiên, thật thú vị biết bao. Những ai đã từng đến đây cũng đều cảm nhận được điều đó.

Ông Dự bảo, có du khách từ trong đất liền Quảng Ngãi ra đây, lần đầu tiên tham quan cảnh vật ở chùa Hang, các hang động đá xung quanh bờ biển, đã phải thốt lên: “Giá như những cảnh vật ở đây, hang động đá, vách đá dựng đứng, bờ biển đẹp này nằm ở tại bãi biển Mỹ Khê, hay một nơi nào đó trong đất liền thì tuyệt vời biết mấy, ai cũng có thể thưởng ngoạn”.

Nếu như đảo Lý Sơn là hiện thân cái đẹp của thiên nhiên thì chùa Hang là tác phẩm điêu khắc đá tuyệt vời mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người vùng đất này. Ở đấy, núi và biển liền kề dựa vào nhau, tôn nhau lên tạo thành một bức tranh tuyệt tác. Tuy đã có sự tôn tạo chăm chút của bàn tay con người, nhưng với ý thức hòa hợp với thiên nhiên, cảnh trí nơi đây vẫn còn giữ được nét hoang sơ vô cùng quyến rũ.

Thắng Mỹ
Nguồn: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/huyen-tich-duong-xuong-am-ty-o-co-tu-lot-thom-trong-vach-da-327259.html

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn


Sáng 2-4, tại đình làng xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), dưới cơn mưa nặng hạt, Ban khánh tiết Đình làng An Hải cùng các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa với hàng trăm du khách trong tỉnh, trong nước đã dự lễ.


Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải, nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Đến thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách này. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải Nguyễn Quốc Chinh cho biết: “Nhằm tri ân tưởng nhớ công lao trời biển của đội dân binh Hoàng Sa - Trường Sa, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tộc họ ở Lý Sơn hằng năm đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”.


Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức gồm hai nội dung chính: Lễ tế cổ truyền và lễ đua thuyền Tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng). Sau phần chủ lễ đọc sớ, lần lượt các dòng, tộc trên địa bàn xã An Hải có người thân ra sa trường năm xưa đã thực hiện nghi lễ cúng tế, rước các hình nhân (hình nộm) thế mạng và mô hình thuyền để thả trôi ra biển (hạ thủy).

Riêng phần lễ đua thuyền Tứ Linh có sự tham gia của gần 100 vận động viên, chia làm bốn đội. Các đội đua thuyền trong khoảng chiều dài 800 m dọc bờ biển, mỗi thuyền phải hoàn thành bốn vòng đua để phân định đội về đích trước…

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức hàng năm vào dịp đầu tháng ba âm lịch hàng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của đội dân binh Hoàng Sa năm xưa đã có công đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

MINH TRÍ
Nguồn: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32489502-le-khao-le-the-linh-hoang-sa-o-ly-son.html

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Tập đoàn Mường Thanh xây dựng khách sạn 150 phòng tại đảo Lý Sơn

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Mường Thanh vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi để đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng khách sạn Mường Thanh tại huyện đảo Lý Sơn.


Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Đồng- Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Mường Thanh cho biết, sau khi đi khảo sát thực tế tại huyện Lý Sơn, Tập đoàn có ý tưởng xây dựng tại huyện đảo này 01 khách sạn có quy mô khoảng 7 tầng, 150 phòng nghỉ chất lượng, trên diện tích khoảng 01 ha để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao huyện Lý Sơn và các ngành chức năng của tỉnh cùng Tập đoàn Mường Thanh lựa chọn địa điểm để triển khai dự án.

Được biết, với hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ khách sạn, Tập đoàn khách sạn Mường Thanh được công nhận là "Chuỗi Khách Sạn Tư Nhân Lớn Nhất Việt Nam" với một hệ thống gồm 30 khách sạn và dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn 3,4 và 5 sao trải dài trên cả nước.

Trịnh Ngà
Theo InfoNet

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Khi những “nữ thuyền trưởng” vượt sóng

Đi biển là công việc nặng nhọc, vốn chỉ dành cho đàn ông sức dài vai rộng. Nhưng đâu đó ở những làng chài ven biển Quảng Ngãi vẫn có những người đàn bà hằng ngày đạp sóng vươn khơi.


Một ngày đầu tháng ba, tôi gặp nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai, ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) khi bà chuẩn bị ra khơi cùng chồng. Bà Mai năm nay đã 55 tuổi, trên người có đến 3 vết sẹo dài hơn gang tay sau những lần mổ sỏi thận, nhưng vẫn miệt mài vươn khơi. “Khi đứa con lớn được 5 tuổi, đứa nhỏ được vài tháng thì tôi bắt đầu đi biển cùng chồng. Nay thằng nhỏ vừa tròn 24 tuổi là 24 năm tôi ra khơi. Từ đánh bắt ở vùng biển xa như Ninh Thuận, cho đến biển gần ngoài Hòn Than, Sa Cần, Lý Sơn... tôi cũng đều song hành cùng ổng cho có bạn”, bà Mai cười hiền tâm sự.

Quanh năm vươn khơi, nên thời gian nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai lênh đênh trên biển còn nhiều hơn đất liền. Cứ 3 giờ chiều hôm nay đi biển, thì rạng sáng ngày mai, chiếc tàu giã cào đơn của hai vợ chồng chị mới bắt đầu cập bến. Bán cá xong cho thương lái, bà lại tất bật với công việc đan lưới, rồi cơm nước và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Một điều "lạ" là đến xe máy bà Mai cũng chẳng biết lái, nhưng khi đi biển bà có thể thay chồng cầm lái thành thục.

Nói đến “nữ thuyền trưởng” của đời mình, ông Võ Thanh Dũng kể: “Nay đi khơi phải tàu to, máy lớn thì mới dễ tìm người đi bạn. Còn nhà tôi thuyền nhỏ, máy nhỏ, nên nếu bà ấy mà không đồng hành, thì tôi chẳng thể đi một mình. Công việc giũ lưới, kéo lưới nặng nhọc, dễ ngã, nên mỗi khi tôi ra boong kéo lưới, thì bà ở trong cứ thế lái tàu, không thua nam giới đâu”.

“Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, nên ở các làng chài ven biển, không riêng gì nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai, mà đàn bà đi biển đã không còn là chuyện hiếm. Sinh ra từ làng biển, nghiệp biển gắn với đời họ lúc nào không hay. Chọn biển để mưu sinh cũng đồng nghĩa với việc những nữ ngư dân chấp nhận luôn những sóng gió, rủi ro có thể ập đến với mình bất cứ lúc nào.

“Những khi trời giông gió, biển động dữ dội lắm, thuyền mình cũng tròng trành, lắc lư liên tục. Không cầm lái cho đằm, thì thuyền lật như chơi. Nhưng rồi vì mưu sinh, vì tương lai của con cái, hai vợ chồng cứ thể đi biển”, bà Trương Thị Nở, một nữ ngư dân gắn bó với biển gần 30 năm ở làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.

Đã 53 tuổi đời, 27 năm tuổi nghề, những sóng gió, rủi ro trong hành trình đi biển của mình bà Nở không kể xiết. Bà Nở bảo, vất vả là thế, nhưng chỉ có những ngày trăng sáng, bà mới ở nhà nghỉ ngơi, vá lưới, vui vầy cùng cháu con. Còn lại, bà đều cùng chồng lênh đênh trên biển để mưu sinh. Trong cuộc đời làm biển của mình, chiếc tàu công suất 17CV hiện giờ là chiếc tàu thứ hai mà vợ chồng bà sắm được. “Chiếc tàu cũ và mỏi lắm rồi nên cho nó “nghỉ”. Còn mình, giờ tuổi đã cao, nên lắm lúc cũng mỏi, nhưng không đi biển thì không biết làm gì. Vả lại, cứ ở nhà dăm bữa là buồn chân, lại muốn đi”, bà Nở tâm sự.

Lênh đênh trên những con thuyền tròng trành, lắc lư cùng sóng nước; những người đàn bà đi biển như bà Mai, bà Nở... vẫn cứ mải miết gắn bó với biển khơi. Với họ, hạnh phúc là khi được đồng hành cùng chồng vượt qua những tháng ngày vất vả, chông gai nơi đầu sóng.

Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Lý Sơn hạn chế du khách trèo lên cổng tò vò


Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhắc nhở không quá 10 người trèo lên cổng tò vò cùng lúc, du khách cần chấp hành theo các biển báo, không leo lên các điểm cao, phiến đá mỏng.

Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Sơn cho biết các nhóm du khách đông người thường trèo lên cổng tò vò để tham quan, chụp ảnh. Điều này có thể ảnh hưởng tới di sản địa chất, vì thế địa phương thực hiện nhắc nhở không quá 10 người trèo lên cổng cùng lúc.

Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp, những phiến đá nhô ra biển, vực sâu, du khách cần thực hiện theo các biển báo, không leo lên các điểm cao để tránh nguy hiểm tính mạng.

Cổng tò vò, tên gọi người dân đặt cho khu vực bãi đá có hình vòm, cao khoảng 2,5 m, là trầm tích núi lửa tự nhiên bên bờ biển thôn Tây, xã An Vĩnh. Khu vực này thu hút đông du khách tới tham quan, chụp ảnh. Những dịp lễ, Tết, đảo Lý Sơn đón hàng nghìn người, khu vực cổng tò vò luôn đông đúc, du khách chen chân chụp ảnh lưu niệm.

Để chuẩn bị cho dịp lễ 30/4 tới đây, ông Nghĩa cho biết huyện đảo đã có nhiều phương án hạn chế quá tải như một số năm trước. Trên đảo hiện có các nhà nghỉ, homestay với khoảng 500 phòng, có thể phục vụ 2.000 người cho dịp lễ. Hiện có 13 tàu ra vào đảo liên tục trong ngày, đảm bảo nhu cầu di chuyển của du khách.

Ngày 8/3, Window Azure, cổng vòm đá, biểu tượng du lịch nổi tiếng của Malta, bị đổ sụp xuống biển, sau trận bão lớn. Các nhà địa chất từ lâu đã cảnh báo về cổng vòm đá cong nằm trên bờ biển phía tây của đảo Gozo sẽ có lúc sập xuống, do sự xói mòn và tác động của thời tiết. Kể từ năm 2016, các du khách cũng bị cấm leo lên cổng mái vòm này, hoặc đi thuyền bên dưới./.

(Nguồn: Vnexpress)

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Kinh nghiệm hữu ích cho các bạn đi phượt đảo Lý Sơn Quảng Ngãi

Thông tin về đảo Lý Sơn

Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý.


Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo.

Huyện Lý Sơn là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó. Nói về huyện đảo này, nhân dân địa phương có ca dao thủy trình:


Trực nhìn ngó thấy Bàn Than;
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ 

Diện tích của huyện là khoảng 9,97 km² nhưng dân số lại lên đến con số hơn 20.460 người. Gồm 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn,hoặc gọi Cù Lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ - Đảo lớn), An Hải (Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).


Vào cuối kỷ Neogen (là một kỷ địa chất của đại Tân Sinh) đầu đệ tứ, cách ngày nay khoảng 25-30 triệu năm, đảo Lý Sơn được hình thành di sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên đảo có 5 hòn núi đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Chúng còn trải trên bề mặt đảo ở phía nam một lớp đất bazan màu mỡ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.

Tỉnh Quảng Ngãi đã khai trương tuyến du lịch "biển đảo Lý Sơn" vào ngày 28 tháng 4 năm 2007. Du khách từ thành phố Quảng Ngãi đi theo quốc lộ 24B về cảng Sa Kỳ, sau đó ra đảo bằng tàu cao tốc và thuê xe máy để đến các di tích trên đảo. Khi lưu trú trên đảo, du khách sẽ được thưởng thức các món hải sản và các đặc sản gỏi tỏi, gỏi cá cơm, rong biển trộn (rau cum cúm), cháo nhum (cầu gai)...

Từ đảo lớn khách du lịch lại có thể đi cano sang đảo bé để tắm và bơi tại bãi dừa. Nước biển tại đây trong và sóng lặng.

Trên đảo có ba di tích quốc gia: đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên), Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa), Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Và 24 chùa, am.

Ngày 13 tháng 07 năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định công nhận Tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn gồm các điểm du lịch tại huyện Lý Sơn theo các tuyến: Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, Miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự và một số nhà cổ tại huyện Lý Sơn.

Huyện đảo được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt. Các hàm lượng chất có trong tỏi luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác.

>> Xem thêm giá tour du lich Ly Son


(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_S%C6%A1n)

Thời điểm nào đi Lý Sơn là đẹp nhất


  • Mùa hè, trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 thời tiết khá đẹp và có nắng, phù hợp cho việc đi biển
  • Mùa tỏi  Lý Sơn bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12, tuy nhiên đây cũng là thời điểm mùa bão diễn ra.
  • Lễ khao thề lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18-19-20 tháng 3 (âm lịch)


Dân gian có một vài câu thành ngữ nói về thời tiết trên biển như: Tháng giêng động dài, tháng hai động tố, tháng ba bà già đi biển. Đọc những câu này, các bạn cũng có thể thêm chút kinh nghiệm lựa chọn thời gian đi biển cho riêng mình, động dài ý nói thời gian biển động sẽ kéo dài, động tố nói về việc biển động bất ngờ, đây cũng là tháng mà có lẽ chưa nên vội đi biển.

Đi Lý Sơn bằng những phương tiện nào?



Máy bay


Sân bay gần nhất để có thể di chuyển ra cảng Sa Kỳ (nơi có tàu cao tốc đi Lý Sơn) là sân bay Chu Lai của Quảng Nam, mỗi tuần từ Hà Nội có 3 chuyến bay tới Chu Lai với giá vé khứ hồi khoảng 3 triệu đồng, từ Sài Gòn với giá vé khứ hồi khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu đi bằng máy bay các bạn nên thuê một chuyến xe để đi bởi khoảng cách từ sân bay Chu Lai đến cảng Sa Kỳ vào quãng 50km.

Ô tô khách

Từ Hà Nội và Sài Gòn có rất nhiều hãng xe chất lượng cao đến Quảng Ngãi, các bạn có thể liên hệ các nhà xe để đặt vé trước (từ 2 – 5 ngày tùy vào thời điểm chuyến đi của bạn, vào những dịp nghỉ lễ thì cần đặt sớm nếu không sẽ không có vé). Xe khách giường nằm đi Quảng Ngãi từ Hà Nội và Sài Gòn, bạn có thể liên hệ The Sinh Tourist, Camel hoặc Hoàng Long.

Tàu hỏa

Mỗi ngày từ 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn có 5 chuyến tàu Thống Nhất ra vào Bắc Nam, tùy vào khoảng thời gian của mình mà bạn có thể chọn giờ tàu cho phù hợp (Các tàu số lẻ đi từ Hà Nội vào, các tàu số chẵn đi từ Sài Gòn ra).

Sau khi di chuyển tới Quảng Ngãi nếu đoàn đông các bạn nên thuê một chiếc taxi đi từ Trung tâm TP. Quảng Ngãi ra tới cảng Sa Kỳ (khoảng cách khoảng 20km) hoặc để tiết kiệm chi phí các bạn có thể sử dụng tuyến xe buýt số 03 có lịch trình chạy Bến xe Quảng Ngãi – Cảng Sa Kỳ. Tuy nhiên lưu ý với các bạn là phải đi chuyến xe buýt sớm nhất lúc 5h sáng để đảm bảo có thể ra được cảng sớm và không bị lỡ tàu (thời gian đi của chuyến xe buýt khoảng 1 tiếng).

Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn đồng thời có 3 chuyến tàu cao tốc ra đảo và vào đất liền. Tàu rời cảng trong khoảng từ 7h30 đến 9h giờ. Phòng vé được mở cửa vào 6h30 hàng ngày, mỗi người xếp hàng sẽ được mua 2 vé, khi mua vé sẽ phải khai báo họ tên, năm sinh, địa chỉ, số CMND.

Đối với các bạn đi đoàn đông có thể đăng ký trước danh sách của đoàn (bao gồm đầy đủ các thông tin như phía trên) kèm theo số điện thoại đại diện của trưởng đoàn và fax về cho ban quản lý cảng chậm nhất trước 15h30 của ngày hôm trước ngày đi, khi đến mua vé cần mang theo danh sách gốc.

Tàu từ Đảo Lớn sang Đảo Bé khởi hành từ 8h sáng và quay lại Đảo Lớn vào lúc 14h30 hàng ngày, các bạn cũng có thể liên hệ với tàu cá của người dân để sang Đảo Bé.

Khách sạn nhà nhà nghỉ trên đảo Lý Sơn



- Nhà nghỉ ở cảng Sa Kỳ : ở ngay cảng có vài dãy nhà trọ để các bạn nghỉ qua đêm đến sáng lên tàu đi đảo Lý Sơn, nhà trọ ở đầy là dạng phòng tập thể chỉ có 50.000 vnđ/người, ngủ để chờ sáng mai đi tàu nên cũng hơi phức tạp tý nhưng đôi khi cũng rất vui quen bạn mới. Còn không thì các bạn có thể mướn 1 phòng 2 người ở gần đó 120.000 vnđ/phòng đây cũng là dãy nhà nghỉ chứ ko phải khách sạn.

- Nhà nghỉ đảo Lý Sơn : mới được kéo điện không lâu, hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng chưa được đầu tư nhiều. Hiện trên đảo có khách sạn Lý Sơn là có qui mô lớn nhất giá hơi chát 1.000.000 vnđ/phòng 2 người, cũng là nơi nghỉ chân được nhiều khách du lịch lựa chọn nhất.

Ngoài ra thì xung quanh khách sạn Lý Sơn cũng có một vài nhà nghỉ nhỏ giá rất rẻ. Giá tầm 200.000 vnđ -> 250.000 vnđ/phòng/2 người

Nhưng với một số du khách thì họ hoàn toàn không cần phải thuê khách sạn hay nhà nghỉ mà dựng lều ngay trên các hòn đảo nhỏ để cùng nhau trải nghiệm đúng chất cảm giác khám phá vùng đất hoang sơ.

>> Xem thêm giá phòng Khách sạn Lý Sơn
>> Kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn giá rẻ