Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Những ngôi mộ khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông

(Kiến Thức) - Những ngôi mộ của lính đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của người Việt ở Biển Đông.

Mộ lính Đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn là mộ cô hồn của những hùng binh trên biển, những thủy binh của Hải đội Hoàng Sa năm xưa được lệnh ra quần đảo Hoàng Sa thực thi chủ quyền của Việt Nam và đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa hy sinh vì đất nước, các họ tộc trên đảo đã chiêu hồn luyện cốt, lập những ngôi mộ gió, với niềm tin khi làm lễ chiêu hồn xong, linh hồn người chết mất xác sẽ trở về nhập vào hình nhân, an nghỉ nơi đất mẹ và phù hộ cho những người còn sống.

Ngày nay, những ngôi mộ gió được nhiều người biết đến nhất ở Lý Sơn là mộ của các vị cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật.

Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết

Ông Võ Văn Khiết thuộc đời thứ 10 trong dòng họ Võ nhưng là người đầu tiên của Lý Sơn được nắm giữ chức cai đội của Hải đội Hoàng Sa có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Biển Đông cho Tổ quốc.
Thi hành nhiệm vụ được giao từ thời đại Tây Sơn, Võ Văn Khiết cùng đồng đội đã trải qua không biết bao nhiêu gian nguy, hiểm trở và cuối cùng nằm lại giữa biển khơi.

Triều đình biết ơn người đội trưởng can trường, phong Võ Văn Khiết là Thượng Đẳng thần, lập nhà thờ Võ Văn Khiết tại xóm Vĩnh Thành thuộc thôn Tây xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Tên tuổi ngài đã lưu dấu trong lòng con dân xứ đảo, được xướng lên trong các sớ cúng tế, ngang hàng với các vị thần linh được nhân dân thờ phụng.

Đến cuối triều Gia Long, một ngôi đền thờ khang trang cùng ngôi mộ gió của cai đội Võ Văn Khiết đã được xây dựng trong khu đất của dòng họ Võ, dân gian quen gọi là miếu ông Thắm.

Nối nghiệp thân phụ, ông Võ Văn Phú (con trai cả của Võ Văn Khiết), vào năm Gia Long nguyên niên (1802) cũng được phong chức "Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm tri Hoàng Sa các đội Cai cơ thủ ngự Phú Nhuận hầu", nghĩa là ông không chỉ làm Cai đội Hoàng Sa mà còn là người chỉ huy của các cai đội. Đồng thời ông cũng là quan trấn thủ cửa biển Sa Kỳ, một cửa biển lớn có vị trí quan trọng đối mặt với biển nước ta lúc bấy giờ. Đời sau, ông Võ Văn Hùng (con ông Võ Văn Phú) cũng từng đảm nhiệm chức vụ trưởng đội dân phu trong những năm từ 1832 đến 1836.

Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh

Phạm Quang Ảnh người làng An Vĩnh là một viên cai đội của Đội Hoàng Sa. Tháng 1/1815 vua Gia Long Nguyễn Ánh phong ông làm cai đội của Đội Hoàng Sa và giao cho ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) đi đến Hoàng Sa và Bắc Hải để xem xét, đo đạc thủy trình, trấn giữ Biển Đông và tìm kiếm sản vật quý về cho triều đình. Mỗi chuyến đi 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 thì quay về để tránh mùa biển động.


Đoàn thuyền của ông đã đi được nhiều chuyến thành công, nhưng rồi trong chuyến đi cuối cùng gió bão, ông và các thuyền viên đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu.

Vua Gia Long đã đích thân đến tận Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Ông và đồng đội đã được hóa thân vào những hình người nặn bằng đất sét và được cúng chiêu hồn suốt một đêm với sự có mặt của vua, rồi làm lễ an táng như những người đã chết trên biển: 25 nấm mộ xếp thành một hàng trong đó ông Phạm Quang Ảnh đặt đầu tiên rồi đến 24 tử sĩ đồng đội của ông. Đây là ngững ngôi mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) đầu tiên ở Đảo Lý Sơn.

Đến nay, sau hàng trăm năm, 25 ngôi mộ gió này đã kết liền với nhau thành một nấm mộ lớn dài hơn chục mét ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Cai đội Phạm Quang Ảnh đã được phong làm Thượng đẳng thần để hộ vệ và ban phúc cho những người vượt sóng gió Biển Đông và được nhân dân xã An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng. Ông trở thành người khai lập dòng họ Phạm Quang trên đảo Lý Sơn, được thờ trong Nhà thờ của dòng họ.

Đất nước đã ghi nhớ công lao của ông bằng cách đặt tên ông cho một hòn đảo trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa: Đảo Quang Ảnh.

Cai đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật

Phạm Hữu Nhật là một vị Chánh đội trưởng Thủy quân suất đội của Đội Hoàng Sa. Theo chính sử nhà Nguyễn, năm Bính Thân 1836, ông vâng mệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền gồm khoảng 50 người đi xem xét, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa
.
Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ "Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự" (nghĩa là: năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ).

Ở từng điểm đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đội của ông đã dừng lại cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật rồi về tâu trình với triều đình là đã hoàn thành nhiệm vu.

Không biết ông đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng năm 1854 thì ông cùng các cộng sự đã không trở về. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) không có hài cốt tại thôn Đông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai cư làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.

Các bộ chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về sự kiện này và đánh giá công lao to lớn của ông trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Công ơn của ông được khắc ghi bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo san hô nằm ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa.

Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 19/2 Âm lịch hàng năm, tộc họ Phạm Văn cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật bên cạnh việc tưởng nhớ các vị tham gia Đội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước.

>> Có một Lý Sơn thu nhỏ ở đất liền

T.B (tổng hợp)

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Có một Lý Sơn thu nhỏ ở đất liền

Cũng có bãi biển không chỉ trải dài toàn cát vàng, mà xen lẫn nhiều vách đá cao được hình thành từ dung nham núi lửa.


Cũng có vô số vỉa đá đen phủ đầy rong rêu nổi lên ở ven bờ và những ruộng hành len lỏi từ đầu làng đến cuối xóm để tận dụng hết diện tích đất nông nghiệp vốn rất ít ỏi.

Vậy nên, khi vừa đặt chân đến hai thôn liền kề nhau là thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải và thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn); cảnh sắc, cuộc sống của người dân nơi đây khiến nhiều người liên tưởng đến một đảo Lý Sơn thu nhỏ ngay tại đất liền.

Từ TP.Quảng Ngãi ra ngã tư Bình Long (Bình Sơn) rồi rẽ phải tầm 10km nữa là đến thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị. Đến đây du khách có thể hòa mình tắm biển Lệ Thủy để tận hưởng dòng nước biển mát lạnh, xanh màu ngọc bích và ngắm nhìn những vách đá đen vững chãi đón nhận các đợt sóng vỗ bọt trắng xóa rồi đặt chân lên những vỉa đá đen nghìn năm tuổi bám đầy rong rêu ven bờ.

Nhờ kiến tạo đặc biệt này, mà những người tìm về với Lệ Thủy còn có thể trải nghiệm những giây phút câu cá thư giãn kỳ thú ngay tại bãi biển. Bởi kết cấu vỉa đá đen phủ đầy rong rêu đã thu hút nhiều loại cá, cua về đây trú ẩn. Thảm thực vật và động vật ven bờ Lệ Thủy tạo nên nét đặc biệt, kỳ thú hệt như khu vực biển nhiều đá ghềnh ngay cạnh cổng Tò Vò trên đảo Lớn của huyện Lý Sơn.

Không chỉ mãn nhãn với những nét hùng vĩ do dung nham núi lửa tạo nên, Lệ Thủy còn hiền hòa làm đắm say du khách ghé chân, bởi bãi biển trải dài hàng cây số với vô số thuyền thúng của ngư dân bình yên nằm gối bãi. Vừa nên thơ, lãng mạn lại vừa hùng vĩ, ấn tượng, Lệ Thủy như một nàng thơ mang đầy cá tính.

Sau khi đắm mình thỏa thích cùng sóng nước, từ bãi biển Lệ Thủy, du khách có thể đi ngược về phía đất liền tầm 1km là đến cổng chào thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải). Thật bất ngờ khi ngay tại nơi đây cũng có những ruộng bậc thang cát trắng trồng hành hệt như đảo Lớn, đảo Bé ở Lý Sơn.

Từ đá san hô, đá ong có sẵn trên đảo, người dân đã xếp dựng hàng nghìn mét bờ bao cho những thửa ruộng hành độc đáo. Vào đầu vụ, cả cánh đồng trồng hành rộng khoảng 75ha nơi đây bạt ngàn toàn cát là cát. Những ụ cát trắng tinh được người dân nơi đây đắp khắp mặt ruộng.

Đến mùa, cả cánh đồng được phủ một màu xanh mởn của hành lá vươn xanh. Xen lẫn với những vuông hành xanh là hàng phi lao xanh rì và bóng dừa cao ngút càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm nên thơ.

Bình yên, nhẹ nhàng và không hối hả, cộng thêm những cảnh sắc đặc trưng vốn có, du khách đặt chân đến Thanh Thủy, Lệ Thủy chắc chắn sẽ cảm nhận và có những trải nghiệm lý thú, hấp dẫn.

Theo báo Quảng Ngãi