Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Ba món gỏi độc đáo nên thử ở Lý Sơn

Gỏi tỏi, gỏi rong biển, gỏi sứa là những món vừa ngon vừa bổ dưỡng mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các hàng quán trên đảo Lý Sơn.

Lý Sơn không chỉ có cua huỳnh đế, cá tà ma, ốc vú nàng, hòn đảo này còn có những nguyên liệu tươi mát với giá thành rẻ để chế biến nên món gỏi độc đáo, phù hợp để ăn trong mùa hè.

Gỏi tỏi


Món gỏi này gây bất ngờ cho du khách bởi không phải tôm thịt mà chính tỏi mới là thành phần chính. Bẻ một miếng bánh tráng nướng dày, bùi, thơm, xúc một nhúm gỏi tỏi rồi chấm với nước mắm ớt, hương vị này không thể lẫn với bất kỳ món ăn nào khác.

Tỏi được sử dụng để chế biến là tỏi đực, loại không có tép, chỉ có phần củ thuôn dài. Ảnh: Instagram

Bỏ rễ và ngọn, dùng mỗi phần thân tỏi ngâm cho sạch mủ rồi luộc sơ, sau đó vớt ra để thật nguội. Phần tỏi này được trộn với rau thơm, đậu phộng rang giã dập, trộn thêm ít đường, khi ăn để sẵn bát nước mắm cay thơm bên cạnh.

Đĩa gỏi xanh mát, không còn quá nồng hương tỏi, lại vẫn giữ được độ giòn mát, đó là nhờ đầu bếp khéo tay luộc tỏi vừa độ, đồng thời sử dụng loại tỏi đặc sản Lý Sơn có hương vị vượt trội.

Gỏi rong biển


Đây là món ăn dân dã trong mâm cơm của người dân Lý Sơn, đồng thời là đặc sản du khách nhất định phải thử khi đến hòn đảo này. Với vành đai san hô bao quanh đảo, rong biển sinh sôi nảy nở rất nhiều. Loài thực vật biển này có nhiều màu sắc khác nhau lẫn vị mặn mòi và hơi tanh của biển nhưng lại giàu dinh dưỡng.

Rong biển thân nhỏ được cho là có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Ảnh: Instagram
Rong biển tươi vừa vớt từ biển lên, ngâm trong nước sạch, thay nước vài lần. Cắt rong biển thành từng khúc vừa ăn rồi trộn với rau húng quế, nước mắm tỏi ớt, nước cốt chanh, gia vị, trộn cho thật đều rồi rắc đậu phộng rang lên trên.

Có thể trộn rong biển với bò khô hoặc tôm cho thêm phần hấp dẫn, tuy nhiên chỉ riêng rong biển là đã đủ trở thành “miếng ngon nhớ lâu” cho thực khách phương xa. Một nhúm rong biển tươi chấm vào nước cá kho mặn mòi là cách thưởng thức đúng điệu hơn cả.

Gỏi sứa


Con sứa trong vắt, mềm dai, ngọt nước kết hợp với xoài xanh thái sợi chua chua, giòn giòn, điểm thêm hương vị của rau quế, cái bùi béo của đậu phộng rang, đơn giản nhưng lại bắt miệng đến lạ lùng.

Gỏi sứa không phải chỉ có ở Lý Sơn nhưng vẫn là đặc sản ngon rẻ nên thử khi đến vùng đảo này. Ảnh: ivivu.com
Sứa tươi được ngâm trong nước chuối chát nên không bị chảy nước, không cần chế biến cầu kỳ nên giữ nguyên được độ ngọt mát của thịt sứa. Nước mắm rưới lên món gỏi phải là nước mắm ngon, ớt tươi được cắt nhỏ trộn đều, có thêm chút hành phi khô vàng ruộm là chuẩn vị.

Món ăn mộc mạc này khiến cái nóng mùa hè dường như biến mất, nhất là khi thực khách vừa thưởng thức vừa hóng gió biển Lý Sơn.

>> Hoa hậu Việt Nam 2016 treo cờ tổ quốc trên đảo Lý Sơn

Theo VnExpress

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Hoa hậu Việt Nam 2016 treo cờ tổ quốc trên đảo Lý Sơn

Dự án mang lá cờ đỏ sao vàng treo lên cột cờ ở đảo Lý Sơn của thí sinh Phan Thị Hồng Phúc đã gây ấn tượng mạnh với BTC và Ban giám khảo của phần thi "Người đẹp nhân ái" thuộc khuôn khổ "Hoa hậu Việt Nam 2016".

Sau 3 tuần lên sóng, Người đẹp nhân ái thuộc khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và truyền thông. Không chỉ là những buổi giao lưu từ thiện mang tính hình thức, hành trình nhân ái theo chân các người đẹp còn tràn đầy những khoảnh khắc xúc động, chân thật.

Trong số 4 thí sinh của tập 4 với mỗi dự án thiện nguyện khác nhau, thí sinh Phan Thị Hồng Phúc gây ấn tượng mạnh với ban tổ chức khi chọn nhiệm vụ tôn tạo cảnh quan cột cờ biểu tượng của huyện đảo Lý Sơn.


Hồng Phúc khởi đầu dự án tại Doanh trại Đại đội Bộ binh 1, Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn nằm trên ngọn đồi cách đỉnh Thới Lới khoảng 500m. Trước khi bắt tay vào thực hiện dự án nhân ái, cô có dịp tham quan và tìm hiểu cuộc sống của chiến sĩ tại đây. Các chiến sĩ không giấu vẻ bất ngờ và ngạc nhiên khi chứng kiến “bóng hồng” xuất hiện giữa doanh trại. Cùng với sự giúp sức của họ, người đẹp tiến hành thu dọn vệ sinh, lắp đặt thiết bị kéo cờ, tôn tạo cảnh quang và đặc biệt nhất là thay một lớp cờ mới cho cột cờ Lý Sơn.

Trước sự chứng kiến của nhiều người dân địa phương, Hồng Phúc khoác lên mình bộ quân phục và tham gia buổi lễ kéo cờ như một người lính trong quân ngũ. Giây phút lá cờ tung bay trước gió, trên nền trời biển Lý Sơn, người xem không khỏi tự hào và cảm ơn hành động nhỏ nhưng truyền cảm hứng lớn cô gái bé nhỏ.

Hình ảnh ấn tượng và thiêng liêng của lá cờ đỏ bay cao dưới sự chứng kiến của những chiến sĩ, giám khảo Trác Thúy Miêu đã đánh giá dự án của Hồng Phúc rất cao.


Trên sân khấu trò chuyện cùng hội đồng bình luận, Hồng Phúc không kìm được giọt nước mắt xúc động khi nói về lòng yêu nước của các chiến sĩ.


Bên cạnh Hồng Phúc các thí sinh còn lại cũng trình bày những dự án nhân ái ấn tượng tại huyện đảo Lý Sơn. Trần Thị Thủy (SBD 234) lắp đặt khu vui chơi giúp cho giờ vui chơi của các em học sinh trường tiểu học An Vĩnh 2 thêm phần thú vị và bổ ích. “Nàng thơ xứ Huế” Lê Trần Bảo Trân (SBD 280) thực hiện dự án chung tay bảo vệ môi trường. Giám khảo Trấn Thành ngưỡng mộ vẻ đẹp của người đẹp xứ Huế và lên tận sân khấu ôm cảm kích. Cuối cùng, dự án thắp sáng 2km đường quê của thí sinh Huỳnh Thị Thùy Dung (SBD 015) giúp cho 200 hộ dân có điều kiện làm việc hiệu quả và trẻ em vui chơi an toàn hơn.

Thí sinh giành chiến thắng phần thi này sẽ được đặc cách tiến thẳng vào top 5 chung cuộc của Hoa hậu Việt Nam 2016. Vòng chung kết toàn quốc sẽ được diễn ra tại TP.HCM vào ngày 28.8 với sự tham gia biểu diễn của ca sĩ khách mời đến từ Hàn Quốc, Bi (Rain).

Xem thêm: Chốn bồng lai trong lòng miệng núi lửa Việt Nam

TL - Ảnh: BTC

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Chốn bồng lai trong lòng miệng núi lửa Việt Nam

Một cảnh tượng đẹp mê hồn xuất hiện khi đặt chân lên đỉnh núi: một lòng chảo của ngọn núi lửa đã tắt rộng mênh mông trải ra trước mắt.


Nằm bên bờ biển phía Tây Bắc của đảo Lý Sơn có một danh thắng tuyệt đẹp, được ví như chốn bồng lai tiên cảnh của hòn đảo này: Đó là chùa Đỉnh Liêm và ngọn núi lửa Giếng Tiền.


Chùa Đỉnh Liêm hay chùa Đục là một cụm các công trình kiến trúc được xây dựng trên núi Giếng Tiền, bắt đầu bằng cổng chùa với một lối đi dẫn đến bức tượng Quán Thế Âm cao 27 mét ở chân núi.

Phải vượt qua hơn 100 bậc thang để đến các điện thờ của chùa, nằm trong hang ở lưng chừng núi.

Chùa Đỉnh Liêm là nơi thờ Đức Phật và Đức Quán Thế Âm. Tương truyền Quán Thế Âm từng ngự ở chùa để giữ bình yên cho dân đảo.

Từ các điện thờ, các bậc thang tiếp tục dẫn lên đỉnh núi, nơi điều bất ngờ nhất đang chờ đợi.


Sự sụp đổ theo thời gian của miệng núi lửa phía gần biển đã tạo nên cảnh tượng hùng vĩ của một mỏm núi dựng đứng hướng về biển cả.

Từ trên mỏm núi này có thể bao quát một góc nhìn tuyệt đẹp của đảo Lý Sơn, với những cánh đồng tỏi chia ô vuông vức bên bức tượng Quán Thế Âm uy nghiêm hướng về mặt biển lấp lánh hoàng hôn.

 Từ rìa miệng núi lửa, có thể bước xuống những con dốc thoai thoải để khám phá vùng lòng chảo hoang sơ.
 Những trảng cỏ cao và bụi cây rậm rạp phủ một màu xanh miên man lên toàn bộ lòng chảo núi lửa.

 Hoàn toàn không phải là nói quá khi gọi nơi đây là một chốn "bồng lai tiên cảnh" nơi hạ giới.

Toàn cảnh núi lửa Giếng Tiền nhìn tử đảo Bé, cách đảo Lý Sơn 6km.

>> Sẽ xây cầu vượt biển dài 4 km nối 2 đảo ở Lý Sơn

Trường Sa (tổng hợp)
Bảo Trung

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Sẽ xây cầu vượt biển dài 4 km nối 2 đảo ở Lý Sơn

Trong quá trình quy hoạch huyện Lý Sơn, Tập đoàn Nikken Sekkei (Nhật Bản) đề xuất tỉnh Quảng Ngãi xây cầu vượt biển nối đảo Lớn với đảo Bé ở huyện đảo tiền tiêu này.

Ngày 19/7, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất ý tưởng xây cầu vượt biển nối đảo Lớn và đảo Bé, huyện Lý Sơn do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân phối hợp với Tập đoàn Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) đề xuất trong quá trình lập quy hoạch.

Trao đổi với Zing.vn, ông Huỳnh Kim Lập - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân (đơn vị chủ đầu tư quy hoạch huyện đảo Lý Sơn) cho biết, các chuyên gia Nhật Bản và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thống nhất ý tưởng xây cầu vượt biển nối liền đảo Lớn và đảo Bé.

"Cầu vượt biển này dự kiến dài 4 km, thiết kế xây dựng bê tông dự ứng lực, tuân thủ nguyên tắc vừa bảo tồn di sản thiên nhiên hoang sơ, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Nguồn vốn có thể huy động các tổ chức phi Chính phủ, ODA...", ông Lập nói.


Tập đoàn Nikken Sekkei đang lập quy hoạch huyện đảo Lý Sơn theo hướng bảo vệ môi trường cảnh quan, tiết kiệm tối đa quỹ đất và phát triển du lịch sinh thái biển.

Các chuyên gia Nhật Bản đề xuất, tái tạo ba bãi tắm biển ở đảo Lớn Lý Sơn, lập khu nghĩa địa tập trung, xây bể tập dụng xử lý nguồn nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân và du lịch, hạn chế tối đa các dự án tác động xấu đến môi trường, sử dụng xe điện để vận chuyển du khách lẫn hàng hóa trên đảo...

Quy hoạch đảo Lý Sơn đảm bảo độ che phủ cây xanh đạt 40% diện tích (chọn cây bản địa chống chịu được gió bão, có bóng mát...), có thể hình thành một số khu chung cư tiết kiệm quỹ đất phục vụ phát triển dịch vụ du lịch sinh thái biển...

Tháng trước, Tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dự toán chi gần 18 tỷ đồng quy hoạch xây dựng huyện đảo Lý Sơn đến năm 2025.

Quảng Ngãi đang mời gọi các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ giúp khôi phục nguyên trạng các bãi biển hoang sơ quanh đảo, xử lý rác thải, nguồn nước sạch... nhằm tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Lý Sơn là đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Do yêu cầu phát triển phải thay đổi điều chỉnh cho phù hợp, bảo vệ cảnh quan môi trường, kết nối Lý Sơn với các vùng lân cận nên phải dựa vào thế mạnh vốn có là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.

Thống kê của Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm nay, địa phương đón 420.000 lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gần 80.000 lượt khách đến huyện đảo Lý Sơn, với tổng doanh thu ước đạt 355 tỷ đồng.

>> 200 tỷ đồng xây cảng hiện đại ở đảo tiền tiêu Lý Sơn

Minh Hoàng/ Zing

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

200 tỷ đồng xây cảng hiện đại ở đảo tiền tiêu Lý Sơn

Quảng Ngãi quyết định đầu tư 200 tỷ đồng xây cảng biển hiện đại thành khu trung tâm hàng hóa và phát triển du lịch ở huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn.


Ngày 27/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho biết, tỉnh đã phê duyệt đầu tư dự án cảng Bến Đình ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

Dự án này được xây dựng trên diện tích gần 8 ha với các hạng mục bến cầu tàu cho phép neo đậu tàu có trọng tải lên đến 2.000 tấn. Bến cập tàu dài 240 m, kè bảo vệ dài hơn 500 m, hệ thống hạ tầng hiện đại gồm nhà điều hành, nhà ga hành khách, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy...

Tổng vốn đầu tư cảng biển này khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Theo ông Căng, việc đầu tư cảng Bến Đình nhằm hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa góp phần tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chủ quyền vùng biển phía đông của Tổ quốc.

Cảng biển nơi đây sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân và khách du lịch.

Mới đây, Quảng Ngãi cũng quyết định mời chuyên gia Nhật Bản giúp quy hoạch huyện Lý Sơn theo hướng đô thị biển đảo sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huyện đảo Lý Sơn được Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch mở rộng hơn 45.300 ha của khu kinh tế Dung Quất và được xác định là một trong 6 đảo tiền tiêu cả nước phải xây dựng mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng.

Năm 2015, Quảng Ngãi thu hút 650.000 lượt khách du lịch, trong đó có 47.000 lượt khách quốc tế, đạt tổng doanh thu 560 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014. Trong đó, huyện đảo Lý Sơn được xem là "điểm đến" hấp dẫn nhất với khoảng 100.000 lượt du khách trong nước và quốc tế.

Minh Hoàng/ Zing

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Lý Sơn, "bảo tàng sống" chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam


Lý Sơn được coi là bảo tàng sống về Hoàng Sa khi có chùa Vĩnh Ân thờ tổ tiên khai phá ra mảnh đất này từ bốn thế kỷ trước và bảo tàng trưng bày hơn 1.000 tài liệu liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 29/6, trang tin The Diplomat đã đăng bài viết của học giả James Borton, giảng viên viện Walker, Đại học South Carolina cho rằng Lý Sơn chính là bảo tàng sống chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo bài viết, tác giả đã có chuyến đi thực tế bằng thuyền ra Lý Sơn, quần đảo ngoài khơi cách tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam khoảng 30km, cách quần đảo Hoàng Sa hơn 220km.

Trên thuyền, nhà khoa học biển-tiến sỹ Chu Mạnh Trinh chia đã sẻ về nhu cầu bức thiết cần phải kêu gọi tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông cùng tham gia giải quyết vấn đề suy thoái môi trường biển và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời hợp tác với các nhà khoa học.

Tiến sỹ Trinh cho biết: “Các rạn san hô khỏe mạnh tại Cù Lao Chàm được bảo vệ, đây cũng là những trung tâm phân phối dinh dưỡng quan trọng cho biển cả, đồng thời là nơi để các loài cá tìm đến sinh đẻ.”

Cựu sinh viên Fulbright Chu Mạnh Trinh dự định sẽ áp dụng mô hình bảo tồn tương tự như Cù Lao Chàm ngay tại đảo Lý Sơn. Ông đang lên kế hoạch làm việc với các đối tác nhằm xây dựng một công viên sinh thái trong đó có một khu vực bảo tồn biển.

Kể từ khi được hình thành cùng với bao đổi thay do các lớp nham thạch phun trào từ 10 triệu năm trước, giờ đây hòn đảo đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận là công viên sinh thái toàn cầu.

Mục đích của việc xây dựng công viên sinh thái là nhằm bảo vệ môi trường sinh thái biển và các di sản văn hóa. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những mảnh vỡ gốm sứ và đá tạc tượng có nguồn gốc từ thế kỷ 18, cách đảo Lý Sơn khoảng 3km.

Do Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động bắt bớ tàu cá và sách nhiễu ngư dân Lý Sơn, hòn đảo núi lửa này đã trở thành biểu tượng lịch sử cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước và là điểm các du khách trong nước tìm đến thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân trên đảo, những người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lịch sử của đất nước.

Việc Trung Quốc đơn phương đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% vùng biển quốc tế và tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn vì mục đích quân sự đã làm thay đổi diện mạo Việt Nam. Với tư cách là quốc gia hướng ra biển, khi tới Việt Nam, du khách có thể dễ dàng tìm thấy các câu chuyện kể về các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Đường bờ biển hình chữ S của Việt Nam kéo dài hơn 3.500km và khoảng 80% dân số Việt Nam cư ngụ dọc theo bờ biển. Ngoài khơi có hàng nghìn loài san hô, cỏ biển và các hệ sinh thái tại khu vực nước nông đang nhanh chóng bị hủy hoại và chôn vùi do Trung Quốc tăng cường thực thi các tuyên bố chủ quyền tại khu vực. Các dự án tôn tạo cũng làm sói mòn sự kết nối sinh thái giữa quần đảo Trường Sa và Biển Đông, đồng thời làm suy giảm lượng dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự sống cho các hệ sinh thái tại đây.

Trong phỏng vấn mới đây với tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác vì phát triển bền vững, đặc biệt là trong vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước vốn được xác định là các vấn đề cấp bách đồng thời là động lực của sự phát triển bền vững trong mỗi quốc gia và trên toàn khu vực; ông Ngọc cho biết, “Các rạn san hô ở Trường Sa đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng sinh học và các loài cá. Thật thất vọng là việc Trung Quốc tiếp tục nạo vét và xây dựng đã và đang hủy diệt những nơi cư trú quan trọng nhất của các loài sinh vật biển, làm gia tăng suy giảm môi trường sinh thái tại khu vực.”

Đối với Lý Sơn, các vấn đề nổi bật là việc tiếp cận các ngư trường, tái tạo các di sản văn hóa và tưởng niệm lịch sử và sự hy sinh tại quần đảo Hoàng Sa.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến các tuyên bố chủ quyền tại khu vực giàu tiềm năng về năng lượng, có tuyến đường biển huyết mạch đi qua với khối lượng hàng chung chuyển mỗi năm lên đến 5.000 tỷ USD, Việt Nam đã không ngừng chứng minh các quyền lịch sử đối với vùng biển thông qua các câu chuyện, tài liệu, hiện vật phản ánh về các hải đội Hoàng Sa và Trường Sa.

Khoảng 20.000 dân sống trên Lý Sơn chủ yếu làm nghề đánh cá và trồng tỏi. Tuy nhiên đánh cá là nghề có từ lâu đời. Hiện đảo này có khoảng 400 tàu thuyền đánh cá trong đó có nhiều chiếc có thể đánh bắt xa bờ. Hàng ngày, những ngư dân này đều nhận thức được rằng khi đánh cá ở khơi xa, họ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các gia đình, từ khi những người chồng, người cha và con trai của họ đánh cá trên những chiếc tàu gỗ truyền thống bị tàu Trung Quốc đâm chìm, họ ngày càng chăm đến viếng tượng đài “Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải.”

Một ngư dân thuộc thế hệ thứ 4 cho biết mỗi khi anh cho thuyền ra khơi là mỗi lần đối mặt với hiểm nguy, tuy nhiên anh tin rằng biển là của tất cả mọi người và Hoàng Sa là một phần trong các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Không lâu sau khi Nhà Nguyễn được thành lập, kể từ thế kỷ 17, những người đứng đầu Triều Nguyễn đã nỗ lực củng cố chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa ra đời. Việt Nam đã sử dụng những tài liệu, hiện vật, thơ ca và các câu chuyện viết về lòng yêu nước của những thủy thủ Việt Nam đã hy sinh thân mình bảo vệ đảo nhằm chứng minh cho các tuyên bố chủ quyền tại các quần đảo này.

Những luận giải này xuất phát từ việc Đội Hoàng Sa được thành lập gồm 70 thủy thủ được lựa chọn từ xã An Vĩnh (Lý Sơn) và vào tháng Ba hàng năm, họ đi thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để thu thập hải vật, đo đạc các tuyến hải trình và khẳng định chủ quyền thuộc Việt Nam.

Cụ Võ Hiển Đạt, 86 tuổi, người được xem là linh hồn của Lý Sơn, đã tận tâm nghiên cứu về lịch sử Lý Sơn và các tuyên bố chủ quyền tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa viết “Công đức trọng vô biên, sơ khai dựng xây miền đảo Lý/Tinh thần cao chí cực, kế tục dải Hoàng Sa.”

Lý Sơn được coi là bảo tàng sống về Hoàng Sa. Tại đây có chùa Vĩnh Ân thờ tổ tiên những người khai phá ra mảnh đất này từ bốn thế kỷ trước. Bảo tàng trên đảo cũng trưng bày hơn 1.000 tài liệu, ảnh và các chế tác liên quan đến các đội Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc bảo tàng tin rằng những xung đột hiện nay tại Biển Đông đã khích lệ tinh thần yêu nước trong lòng người Việt. Ngày càng nhiều người Việt Nam thể hiện tình cảm đối với các ngư trường tổ tiên để lại tại khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong các câu chuyện với người dân đảo Lý Sơn, họ rất tự hào về việc tổ tiên của họ đã khám phá ra Hoàng Sa. Năm 2001, các xung đột về quyền đánh bắt cá tại Hoàng Sa gia tăng. Trung Quốc lần đầu tiên ngăn cản không cho ngư dân Lý Sơn tiếp cận ngư trường truyền thống của tổ tiên người dân Lý Sơn với lý do đây là ngư trường của tổ tiên người Trung Quốc, đồng thời đơn phương ban hành các lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa.

Giáo sư Edyta Roszko, nhà nhân học của trường Đại học Durham, khi nghiên cứu về Lý Sơn viết trong nhận thức của người dân Lý Sơn về lãnh thổ của quốc gia, đường biên giới Việt Nam xuất phát từ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho Lý Sơn trở thành một trung tâm thực sự thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả đất và biển.

Để bảo vệ chủ quyền, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch bảo vệ "đất tổ" ở Biển Đông. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn Lý Sơn làm địa điểm tổ chức các cuộc triển lãm quốc gia về bản đồ lịch sử Việt Nam và Trung Quốc với chủ đề “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam - bằng chứng pháp lý và lịch sử".

Việt Nam cũng đã tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về chủ quyền tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các khẩu hiệu “Việt Nam là quốc gia biển,” “Đảo là nhà, biển cả là quê hương,” “Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam” và “mỗi người Việt Nam là một công dân của biển.”

Theo ông Võ Minh Tuấn, người dân trên đảo tin tưởng Việt Nam là quốc gia biển có bề rày lịch sử tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn các câu khẩu hiệu này đề tăng cường nhận thức cho người dân về chủ quyền của Việt Nam tạ Biển Đông”, ông Tuấn khẳng định.

Mới đây, Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, cũng vừa công bố cuộc thi phim ảnh cấp quốc gia lần thứ 6 về chủ đề môi trường. Cuộc thi đã tôn vinh các cá nhân, tổ chức làm các bộ phim có chất lượng về vấn đề môi trường góp phần khuyến khích và giáo dục người dân bảo vệ môi trường.

Theo tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, khoảng 85% ngư dân trên thế giới tập trung tại châu Á, nhất là tại Biển Đông, tăng từ mức 77% năm 1970. Trung Quốc là quốc gia có đông ngư dân nhất, tiếp theo là Việt Nam, Indonesia và Philippines. Tại khu vực có khoảng 31 triệu người làm nghề liên quan đến ngư nghiệp, đánh bắt cá.

Bên cạnh đó, gần 1 tỷ người trên thế giới sống dựa vào nguồn lương thực từ biển. Tuy nhiên, nguồn hải sản đang bị suy giảm một cách có hệ thống. Trong nghiên cứu về đại dương gần đây của ông Johan Bergenas, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson, cho biết các nước như Trung Quốc lo ngại rằng sự thiếu hụt nguồn hải sản có thể gây ra bất ổn xã hội trong bối cảnh dân số ngày càng tăng.

Những câu khẩu hiệu, bản đồ, tài liệu, sách cổ đều có tác dụng chứng minh các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại biển Đông. Tuy nhiên còn có một điều rõ ràng nữa là cả nước Việt Nam đang hướng về biển Đông, đặc biệt là Lý Sơn.

Những nguồn tài nguyên bền vững này hiện đang bị đe dọa. Ông Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Biển và Hải đảo khẳng định môi trường Biển Đông đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên bừa bãi. “Tranh chấp lãnh thổ đang làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn và đường chín đoạn của Trung Quốc cũng tạo ra tranh chấp trong nghề đánh cá đồng thời làm giảm các nguồi tài nguyên biển,” ông Ca cho biết.

Các nhà khoa học về môi trường còn cho rằng căng thẳng tại biển Đông gia tăng sẽ làm gia tăng các nguy cơ nguy hiểm, đe dọa tới các tuyến đường thủy chiến lược vào bậc nhất trên thế giới đi qua khu vực.

Bảo vệ môi trường sinh thái biển là vấn đề toàn cầu, sự bền vững của đại dương là vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người. Những thách thức đối với hệ sinh thái biển mong manh và có quan hệ hữu cơ với nhau, chúng bao gồm biến đổi khí hậu, các hoạt động hủy hoại và tàn phá hệ sinh thái biển, sự mất đa dạng sinh học, và sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do bị khai thác quá mức.

Theo các nhà khoa học biển, việc quy hoạch quản lý công viên biển một cách cẩn thận sẽ giúp bào tồn các loài sinh vật và san hô biển đang bị suy giảm.

Tiến sỹ John McManus cùng một số học giả cho rằng, việc xây dựng công viên hòa bình quốc tế tại Biển Đông sẽ giúp quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm giảm căng thẳng trong khu vực thông qua việc giữ nguyên trạng và thực hiện các hành động mang tính xây dựng./.




Nguồn: VietnamPlus