Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Lý Sơn, hòn đảo của những sắc màu

Màu xanh của biển cả, màu cam của ánh hoàng hôn và màu nâu đất trên những công trình cổ là những điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp rực rỡ cho hòn đảo này.

Nằm cách đất liền khoảng 1h đi tàu, Lý Sơn là địa chỉ du lịch hấp dẫn mà bất kỳ ai khi tới Quảng Ngãi cũng đều háo hức muốn ghé thăm để mua về vài kg tỏi làm quà. Hòn đảo này tựa một thiên đường giữa biển khơi, một bức tranh đa sắc.

Màu xanh lá

Lý Sơn có mùi hăng hăng của tỏi phảng phất trong không khí. Đây là cây trồng chính của huyện đảo này. Người dân trên đảo dùng tỏi trong các bữa ăn hàng ngày và để chữa bệnh.

Với điều kiện đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng, tỏi Lý Sơn có vị cay đặc trưng, củ nhỏ và đều nhau. Khi phơi khô cũng không bị lên mầm như nhiều loại khác. Đặc biệt, chỉ ở đây mới cho ra loại tỏi "cô đơn" - loại có duy nhất một tép trong cả củ. Chính vì vậy, du khách khi đến đảo thường mua vài kg tỏi về làm quà.

Màu xanh nước biển

Đảo Lý Sơn được bao quanh bởi những bãi cát trắng mịn, xen lẫn những vách đá kỳ vĩ làm toát lên vẻ đẹp hoang sơ nhưng thơ mộng. Nơi đây thường được gọi với cái tên đảo ngọc hay đảo tiên nữ.

Du khách thường rất thích thú khi trầm mình trong làn nước mát lạnh, đi dọc bờ biển dài hay nghỉ chân bên rặng dừa xanh để ngắm những đợt sóng xô nhau tới tấp vào bờ.

Màu nâu đất

Ngoài vẻ đẹp nao lòng của thiên nhiên, Lý Sơn còn hấp dẫn du khách bởi gam màu nâu đất, màu của những công trình vượt thời gian. Đó là chùa Đục, nơi đặt bức tượng Phật Bà lớn, hướng mắt ra biển cả. Ngôi chùa nằm trong một hang nhỏ, nay được cải tạo rộng thêm bằng cách đục sâu vào núi. Để tới được đây, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi. Tương truyền, chùa là nơi Quán Thế Âm ngự tại để trấn giữ bình yên cho người dân tránh khỏi thiên tai.

Công trình cổ tiếp theo ở hòn đảo này là chùa Hang. Đây là ngôi chùa nằm ở hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ núi Thới Lới. Trước chùa có bức họa Thiện tài đồng tử cùng tượng Quan Thế Âm hướng mặt ra biển Đông.

Ngoài ra, không thể không kể tới quần thể di tích Âm Linh Tự được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII. Đây là nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi, giữ gìn chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc.

Màu cam

Hoàng hôn trên đảo luôn mang lại cho du khách những cảm xúc khó quên. Ở nơi này, cổng Tò Vò là địa chỉ quyến rũ nhất khi ngày tàn. Đây là chiếc cổng thiên nhiên độc đáo nằm gần chùa Đục, được hình thành bởi dòng chảy của nham thạch. Với hình dáng lạ mắt, địa chỉ này được nhiều du khách tìm đến để săn những tấm hình ấn tượng trong ánh hoàng hôn.

Tour du lịch Lý Sơn http://lysontravel.org/

>> Khúc trầm hùng trên đảo Lý Sơn
Diệu Huyền/vnexpress

Khúc trầm hùng trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn là một trong những hòn ngọc quý, xinh đẹp của Việt Nam và là một bảo tàng sống động với cả kho tàng truyền thuyết, dân ca, lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân...

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chính là “một tiếng thiêng trầm hùng” đã qua bao thăng trầm lịch sử. Bởi thế, hơn cả một điểm đến du lịch, Lý Sơn còn mang lại cảm xúc đặc biệt, niềm tự hào dân tộc cho những ai có cơ hội đặt chân đến đây.

Ở vị trí tiền tiêu, nhưng Lý Sơn không còn xa xôi đối với người ở đất liền. Bạn chỉ mất một giờ đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ là đến đảo Lý Sơn. Là một trong những hòn ngọc quý, xinh đẹp của Việt Nam, Lý Sơn được hình thành do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa, làm nên một bức tranh đẹp. Đây còn là một bảo tàng sống động rất đáng ngạc nhiên với cả kho tàng truyền thuyết, dân ca, lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các tín ngưỡng dân gian theo mùa, tục thờ cá Ông… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng chứng minh Hoàng Sa là một phần không thể tách rời của Việt Nam.

Lý Sơn, trước đây còn gọi là cù lao Ré, cách cảng Sa Kỳ khoảng 15 hải lý về phía Đông Bắc. Cùng với vùng cửa biển Sa Kỳ, Lý Sơn là một rẻo đất giữa đại dương, từng dâng hiến biết bao trai tráng cho hải đội Hoàng Sa thuở nào.

Sử xưa và những gia phả cổ của các tộc họ ở Lý Sơn kể rằng, vào khoảng đầu những năm 1600, 15 vị tiền hiền ở vùng cửa biển Sa Kỳ, phủ Bình Sơn cũ (nay thuộc Quảng Ngãi) đã giong thuyền ra cù lao Ré để khai khẩn, lập làng. Theo thời gian, các tộc họ đông đúc dần. Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa) được thành lập làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này...

Từ những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ, rất nhiều lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển. Chùa Âm Linh tự được xây dựng từ đó, vào giữa thế kỷ thứ 17, là nơi thờ tự vong hồn đội hùng binh Hoàng Sa, đến nay vẫn còn vững chãi giữa phong ba biển cả. Đây cũng là nơi tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (đã có từ 400 năm trước) vào các ngày 18, 19, 20/3 Âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn những người đã ra đi mãi không trở về. Những ngày này, người dân nơi đây cũng đắp và dọn mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (còn gọi là mộ gió)...

Cảm xúc thiêng liêng về hồn thiêng sông núi của tổ tiên sẽ trỗi dậy khi du khách đến tham quan nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa - nơi lưu giữ các hiện vật thể hiện chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Từ đây nhìn ra biển Đông để nghe “tiếng thiêng trầm hùng” vẫn ngày đêm vang vọng theo con sóng.

Lý Sơn còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh với các dấu tích khảo cổ có từ hơn 200 năm trước Công nguyên, và là sự dung hòa giữa nền văn hóa Chămpa vào văn hóa Đại Việt. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa có 5 miệng, được hình thành cách đây 25 - 30 triệu năm. Thật thú vị khi biết rằng, các mạch nước ngầm nóng dưới chân núi lửa chính là nguồn cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ sinh hoạt cho Lý Sơn...


Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên và bàn tay con người mà Lý Sơn hội tụ nhiều thắng tích nổi tiếng như chùa Đục, mũi Mù Cu, miệng núi lửa giếng Tiền, cổng Tò Vò... Trong đó, chùa Hang là một trong những ngôi chùa có thắng cảnh đẹp nhất đảo, gắn liền với truyền thuyết “Đường lên trời - đường xuống âm phủ”. Còn được gọi Thiên Khổng Thạch Tự, được lập ra cách đây khoảng 400 năm, chùa Hang nằm ở phía Đông Bắc đảo, dưới chân núi Thới Lới, sát mép biển, là bằng chứng sinh động về quá trình khai phá và xây dựng đảo của cư dân Đại Việt.

Là một trong 5 ngọn núi lửa ở Lý Sơn hay còn gọi Ngũ Linh, núi Thới Lới là ngọn núi cao nhất trong 5 ngọn với chiều cao gần 20m, nằm ở xã An Hải. Được cấu tạo bởi toàn đá, bên trong núi là một lòng chảo rộng lớn, cũng là một hồ nước ngọt của Lý Sơn, thỏa mãn cơn khát cho cả đảo trong 4 tháng mùa khô hàng năm. Từ trên cao, nước chảy xuống tạo nên dòng suối có tên là suối Chình. Đứng trên ngọn núi, những ai mới đến lần đầu hẳn sẽ có cảm giác rờn rợn vì đang đứng ngay trong miệng núi lửa. Từ đây cũng có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn, thú vị nhất là lúc trời hừng đông và hoàng hôn...

Nhắc đến Lý Sơn, ngoài những món ăn hải sản ngon, ngọt, rẻ, hẳn sẽ khó ai quên được hương vị tỏi “cô đơn” thơm nồng đặc trưng được trồng trên cát, là đặc sản riêng có của đảo. Về đình làng An Hải - một công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn, được phản ảnh qua nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, du khách vừa có dịp tham gia lễ hội đình làng, vừa tìm hiểu quy trình nuôi trồng hành, tỏi tại vườn của nông dân địa phương... Viếng cảnh chùa, nghe tiếng chuông ngân, ngắm những ngọn núi lửa đang ngủ yên giữa trùng dương, nhìn ra biển Đông dậy sóng... Khi ấy, Lý Sơn trong lòng nhiều người không chỉ là một nơi chỉ để du lịch.

Tham khảo tour du lich Ly Son

>> 'Đệ nhất giá' làm từ đậu ván đỏ: Ngon, giòn, bổ dưỡng

Thư Kỳ/vnexpress

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

'Đệ nhất giá' làm từ đậu ván đỏ: Ngon, giòn, bổ dưỡng

Cũng như tỏi, hành thì giá ăn gieo ươm bằng hạt đậu ván đỏ được nuôi dưỡng trên loại cát biển pha vôi của đảo Lý Sơn nổi tiếng bởi sự hương vị lạ ngon, giòn và đầy bổ dưỡng, xứng tầm "đệ nhất giá".

Dù không biết ai là người đã nghĩ ra và sử dụng đậu ván đỏ gieo ươm để làm giá đầu tiên ở đảo, thế nhưng nhiều bậc cao niên Lý Sơn (Quảng Ngãi) khi được hỏi cho biết: "Thời tóc còn để chỏm đã thấy món giá này trong bữa ăn của gia đình".

Tuy cùng tên gọi, thế nhưng giá ăn được gieo ươm bằng đậu ván đỏ có nhiều sự khác biệt và mùi vị lạ hơn loại giá được làm từ đỗ xanh vẫn thường thấy ở trong đất liền.


Theo đó thời gian từ khi gieo ươm đến lúc thu hoạch dài hơn từ 3-4 ngày; khi trưởng thành giá đậu ván đỏ cao khoảng 20cm và thân có kích cỡ to khoảng gấp đôi so với giá đỗ xanh.

Đặc biệt nói về sự bổ dưỡng, theo nhiều người dân trên đảo thì loại giá này phải hơn gấp nhiều lần so với các loại giá khác nên còn được ví là "vú nàng (một loại hải sâm) trên cạn".

Vì vậy cánh đàn ông ở đất liền khi ra đảo thường được "khuyến cáo": " Đừng thấy ngon, lạ miệng mà ăn nhiều để rồi tối về nằm ngủ "khóc rưng rức" vì nhớ bà nhà ấy".


Lý Sơn là nơi duy nhất gieo ươm loại giá này ở Quảng Ngãi. Được coi là loại rau sạch 100%, với vị giòn, ngon, lạ và bổ dưỡng như vậy; thế nhưng giá bán giá đậu ván đỏ tại đảo khá rẻ, từ 2.000-3.000 đồng/nắm tay người lớn, hoặc khoảng 18.000 đồng/kg. Vì vậy chỉ cần số tiền 10.000-15.000 đồng là có thể mua được số lượng giá đặc biệt của người dân đất đảo để về chế biến làm thức ăn cho cả gia đình 3-4 người.

Cách chế biến làm thức ăn chủ yếu của loại giá này là xào ăn không cũng ngon, hoặc xào với các loại thịt heo, bò... Khi thưởng thức thân giá vẫn còn giòn chứ không mềm và vị ngọt thanh hơn so với giá đỗ xanh.

>> Cử tri các đơn vị quân đội huyện Lý Sơn đã hoàn thành bầu cử

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Cử tri các đơn vị quân đội huyện Lý Sơn đã hoàn thành bầu cử

Sáng nay (20-5), tại điểm bầu cử số 8, xã An Hải, 100% cử tri thuộc các đơn vị quân đội, cảnh sát biển, phụ trách radar... ở huyện đảo Lý Sơn đã tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Cuộc bầu cử đã hoàn thành vào lúc 10 giờ 30 cùng ngày.

Đây là điểm bầu cử sớm nhất ở Quảng Ngãi đã diễn ra trên tinh thần dân chủ, đúng luật quy định.

Sau khi bầu cử, các cử tri của các lực lượng vũ trang ở huyện đảo Lý Sơn trở về với nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ trật tự an toàn trên địa bàn nhất là cuộc bầu cử được chính thức tổ chức vào ngày 22-5 sắp tới.

>> Quảng Ngãi lập khu bảo tồn biển gần 8.000 ha ở đảo Lý Sơn

V.QUÝ/PLO

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Quảng Ngãi lập khu bảo tồn biển gần 8.000 ha ở đảo Lý Sơn

Hệ sinh thái rạn san hô, rong, cỏ biển, các loài thủy sinh thực vật... sống trong khu vực đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ được bảo tồn.

 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn với tổng diện tích 7.925 ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113 ha.


Phạm vi khu bảo tồn biển Lý Sơn là một phần diện tích trên đảo và vùng biển xung quanh với mục đích nhằm duy trì và bảo vệ tài nguyên biển, sự đa dạng sinh học, nơi quần cư của các loài sinh vật, đồng thời bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và du lịch sinh thái.

 Hệ sinh thái rạn san hộ, hệ sinh thái rong, cỏ biển, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực nằm trong danh sách cần được bảo tồn.

Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020, riêng huyện đảo Lý Sơn đón 81.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1.000 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 193,45 tỷ đồng.

>> Kinh nghiệm cần biết khi du lịch đảo Lý Sơn

Anh Phương
Nguồn: http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/quang-ngai/quang-ngai-lap-khu-bao-ton-bien-gan-8-000-ha-o-dao-ly-son-3342561.html

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Kinh nghiệm cần biết khi du lịch đảo Lý Sơn

Lý Sơn là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi với thương hiệu tỏi đắt giá, những bãi biển xanh, nước trong vắt cùng khung cảnh hùng vĩ nhìn từ đỉnh Thới Lới.

Huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 9,97 km² gồm 3 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ – Đảo lớn), An Hải (Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).

Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa đã tắt từ thời tiền sử và là điểm gần với quần đảo Hoàng Sa nhất.

Dưới đây là những kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn bạn cần biết:

Thời điểm lý tưởng để du lich Ly Son

Lý Sơn có hai mùa rõ rệt là mùa mưa (tháng 9 - 2 năm sau) và khô (tháng 3 - 8). Thời điểm ghé thăm phù hợp nhất là khoảng từ tháng 6 đến 9.


Từ tháng 9-12 là mùa trồng tỏi, thích hợp với những ai muốn tìm hiểu về nghề này.

Nếu đi từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa nước cạn, biển êm nên các tàu cao tốc sẽ cập cảng chính ở phía tây nam của đảo. Mùa từ tháng 11 dương lịch nước lớn nên các tàu thường cập âu tàu phía đông bắc của đảo.

Phương tiện di chuyển

Từ Hà Nội và Sài Gòn đều có các chuyến bay đến sân bay Chu Lai, Quảng Nam. Ngoài ra bạn có thể đi bằng ô tô và tàu hỏa.

Để đến cảng Sa Kỳ, bạn có thể thuê taxi (hoặc xe bus) di chuyển 50km là đến. Hoặc để tiết kiệm chi phí bạn lên tuyến xe buýt số 03, đi lúc 5h sáng để không bị lỡ tàu.


Tàu cao tốc rời bến trong khoảng 7h30 - 8h sáng hàng ngày. Mỗi ngày từ cảng Sa Kỳ và cảng Lý Sơn đồng thời có 1 chuyến tàu cao tốc ra đảo và vào đất liền. Tàu rời cảng trong khoảng từ 7h30 đến 8h00. Phòng vé được mở cửa vào 6h30 hàng ngày, mỗi người xếp hàng sẽ được mua 2 vé, khi mua vé sẽ phải khai báo họ tên, năm sinh, địa chỉ, số CMND.

Nếu đã mua vé mà không thể tới kịp giờ tàu chạy các bạn cần thông báo trước ít nhất 2h cho ban quản lý cảng, trường hợp này bạn sẽ được hoàn lại 80% tiền vé hoặc di chuyển bằng chuyến kế tiếp với giá vé phụ thu 20%.

Nếu di chuyển bằng tàu gỗ sẽ lâu hơn, giá vé rẻ hơn 1 nửa so với tàu cao tốc.

Các nhà nghỉ, khách sạn ở đảo Lý Sơn thường có xe đưa đón khách tại cảng. Nếu không có bạn bắt xe ôm hoặc xe 3 gác.

Nhà nghỉ, khách sạn Lý Sơn

Nhà nghỉ, khách sạn ở Lý Sơn đa phần tập trung ven biển. Khách sạn Lý Sơn là khách sạn to nhất đảo, ngoài ra còn có rất nhiều nhà nghỉ giá rẻ trên đảo. Một lựa chọn khác cho bạn là di chuyển tới đảo Bé để dựng lều ngủ trên bãi biển.


Bạn cũng có thể lựa chọn homestay để tìm hiểu cuộc sống của người dân. Những người có kinh nghiệm du lịch đảo Lý Sơn cho rằng không nên nghỉ ở khu vực gần cầu cảng.

Ăn gì ở đảo Lý Sơn?

Những đặc sản nhất định phải thử ở đảo Lý Sơn là gỏi rong biển, gỏi tỏi, cua huỳnh đế, cá tà ma, cháo nhum biển, hàu son xào, dưa hấu hắc mỹ nhân, ốc tượng, bánh ít lá gai, chả cá...

Điểm tham quan trên đảo Lý Sơn

Nếu muốn ngắm bình minh ở phía đông của đảo bạn hãy đến khu những nhà nghỉ như Hoa Biển, Thành Phát, Hoàng Sa, Mỹ Phụng gần đèn biển Mù Cu, Hải đăng thuộc thôn Đông xã An Hải. Còn hoàng hôn thì nên chạy về phía Tây đảo khu vực chùa Đục, cổng Tò Vò thuộc xã An Vĩnh.


Chùa Hang  ở xã An Hải, nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.

Cổng Tò Vò là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.

Hòn Mù Cu nằm ở phía đông đảo có những hòn đá đen hình dáng độc đáo.

Hang Câu hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách. Nơi đây được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch.

Đỉnh Thới Lới là ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh núi cao nhất của toàn đảo Lý Sơn (149m). Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m3 cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả 2 đảo lớn và đảo bé. Trên đỉnh Thới Lới có cột cờ Tổ quốc cao 20m, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. 

Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm. Từ đảo lớn mỗi ngày đều có tàu sang đảo bé, chạy lúc 8h sáng rồi quay lại vào lúc 14h30 hàng ngày.

Chùa Đục và Quan Âm Đài tọa lạc giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo.


NHUỆ GIANG (Tổng hợp)- (ĐSPL)

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Xin hãy giữ biển sạch

Câu chuyện cá chết ở các tỉnh ven biển miền Trung vẫn chưa có hồi kết, và người Việt được dịp nhắc nhau ý thức bảo vệ môi trường. Nhưng bãi biển vẫn ngập rác, vì chính chúng ta xả ra hằng ngày, hằng giờ.

Ở các hòn đảo du lịch nổi tiếng như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Ba (Khánh Hòa)... du khách không lạ gì với những đống rác to tướng bốc mùi, mà có khi chính họ cũng góp phần bằng việc vứt rác bừa bãi. Nhiều làng chài ven biển miền Trung, nơi những chiếc xe gom rác không đến được, dân vứt rác thẳng ra bãi biển chờ sóng cuốn đi. Nhưng rồi rác dạt vào, biến bãi biển thành bãi rác.

Ai sẽ cải thiện điều này? Tôi cho rằng ý thức của người dân là một phần quan trọng. Nhưng ý thức không chưa đủ, nhà chức trách cần giải quyết tốt bài toán hạ tầng, quản lý ô nhiễm. Làm sao để có các nhà máy xử lý rác hoạt động hiệu quả, có điểm tập kết rác để cư dân làng biển không vứt thẳng ra biển chờ sóng cuốn, có hệ thống thu gom rác và quản lý bãi biển để khiến du khách vứt rác vô ý thức sẽ phải xấu hổ.

Cơn bão khủng hoảng từ vụ cá chết là cơ hội để nhìn lại những việc thiết thực cần làm. Nếu không, khẩu hiệu yêu môi trường mà nhiều người đang hô vang sẽ chỉ như một cú giật mình khi bà mẹ thiên nhiên đang kêu cứu. Xin hãy giữ cho biển sạch!

Nghỉ lễ xong người đi về, rác... ở lại

Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, hầu hết các khu du lịch từ bắc vào nam đều rơi vào cảnh quá tải, không ít người còn tổ chức ăn nhậu bừa bãi.

>> Triển vọng lớn đối với du lịch trên đảo Lý Sơn

Phương Uy/ Thanh niên

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Triển vọng lớn đối với du lịch trên đảo Lý Sơn

Thời gian gần đây, lượng du khách trên khắp mọi miền đất nước đến tham quan du lịch tại tỉnh Quảng Ngãi, đều không thể bỏ qua hành trình ra đảo Lý Sơn. Bởi Lý Sơn, không chỉ thể hiện tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi “đầu sóng ngọn gió”, mà nơi đây còn có nhiều danh thắng, di tích lịch sử và lễ hội truyền thống của cư dân huyện đảo đã thực sự thu hút du khách.


Lý Sơn có bờ biển trải dài hơn 25km, chạy quanh các hòn đảo tiền tiêu giữa mênh mông sóng nước. Hòn đảo này được thiên nhiên ưu đãi, hình thành nhiều thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp như: Chùa Hang, Hang Câu, Cổng Tò Vò, miệng núi lửa Giếng Tiên, Thới Lới, rặng san hô…

Bên cạnh đó, đảo Lý Sơn còn mang tính độc đáo với nhiều di tích lịch sử, nhân văn như: Chùa Đục, Đình làng An Hải, An Vĩnh, Âm Linh Tự, Dinh Bà Thiên Y-A Na, Lăng Chánh, Lăng Tân An Vĩnh, nhà Trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Dinh Tam Tòa, Lăng cá ông Nam Hải và 24 ngôi nhà cổ hiện vẫn còn nguyên vẹn.

Trải qua hàng trăm năm dày công tạo dựng và giữ vững bờ cõi, người dân Lý Sơn đã hình thành những lễ hội truyền thống ghi đậm dấu ấn cư dân trên đảo như: Lễ hội cầu ngư, đua thuyền truyền thống, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa…; trở thành di sản văn hóa vật thể của cả nước.

Đến Lý Sơn, du khách sẽ được đắm mình trong “Vương quốc tỏi”, đã được công nhận nhãn hiệu quốc gia năm 2008 và là món quà không thể thiếu trong hành trang khi rời đảo; Du khách đến Lý Sơn được thưởng thức nhiều hải sản quý hiếm, tươi sống từ biển cả...

Nhiều năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Lý Sơn ngày càng tăng đáng kể. Năm 2007 chỉ có hơn 2 ngàn lượt du khách, năm 2014 vượt lên 36 ngàn lượt du khách, trong đó có hơn 400 khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng. Năm 2015, Lý Sơn đón hơn 45 ngàn lượt khách, có 562 khách quốc tế, doanh thu lên hơn 546 tỷ đồng.

Theo dự đoán, đến năm 2020, Lý Sơn sẽ đón hơn 80 ngàn lượt khách, có hơn 1 ngàn khách quốc tế, doanh thu sẽ đạt 1.200 tỷ đồng.

Đầu năm 2016 đến nay, Lý Sơn đã đón hàng chục ngàn du khách ra thăm đảo, nhộn nhịp nhất là vào dịp đón năm mới và kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5).

Với lượng du khách tăng nhanh, du lịch Lý Sơn đang trở thành một điểm tham quan hấp dẫn và kỳ thú trên bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy vậy, Lý Sơn hiện còn nhiều việc phải làm để thu hút mạnh lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng.

Bà Võ Thị Thúy, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lý Sơn cho biết, du lịch Lý Sơn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Đó là cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch còn hạn chế. Huyện đảo đã có điện lưới quốc gia, nhưng hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng công cộng còn mang tính tạm bợ, chắp vá; chưa được đầu tư đồng bộ.

Du khách đến huyện đảo chủ yếu để tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn và độc đáo riêng; chưa phát huy tổng thể các loại hình như: Du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tâm linh... Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư còn chậm, không tạo được “cú hích” để thu hút mạnh nhà đầu tư. Các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải khát chưa thật sự văn minh, lịch thiệp, hầu hết đội ngũ phục vụ chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ...

Nguồn ngân sách địa phương hằng năm cấp cho hoạt động phát triển du lịch còn khiêm tốn, không xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo riêng. Mô hình phát triển du lịch trong cộng đồng nhân dân chưa được chú ý và phát huy rộng rãi, việc định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương chưa thật sự đồng bộ, thiếu chặt chẽ...

Tại Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển Lý Sơn được Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức tháng 10/2014, đã xác định Lý sơn là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, cần xây dựng kế hoạch phòng thủ trong mối quan hệ với hoạt động du lịch, nhằm khẳng định chủ quyền và tạo điều kiện để người dân sống trên đảo có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên biển Đông.

UBND huyện Lý Sơn cũng đặt ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành tâm điểm của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi; trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tổng sản phẩm của huyện đến năm 2020. Huyện sẽ đầu tư các cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản như: Hành, tỏi, hải sản và hàng thủ công mỹ nghệ; kêu gọi đầu tư các điểm du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn, nhằm thu hút khách và kéo dài thời lưu trú...

Song, việc quy hoạch tổng thể du lịch biển đảo Lý Sơn với diện tích 250ha, kinh phí gần 1 tỷ đồng, đã có chủ trương từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi lập quy hoạch chi tiết. Hiện tại, các doanh nghiệp và nhân dân mới đầu tư được gần 30 cơ sở lưu trú với 395 phòng, 4 tàu cao tốc chở khách từ đất liền ra vào, 22 chiếc xe du lịch nhỏ…

Thời gian tới, để du lịch Lý Sơn phát triển mạnh và toàn diện, cần tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, nhà hàng, phương tiện vận chuyển. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình trên đảo có đủ tiêu chuẩn, phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

UBND huyện Lý Sơn cũng có những kiến nghị, đề xuất như: Tạo điều kiện thuận lợi đưa du lịch biển đảo vào tuyến du lịch Đà Nẵng - Hội An - Cù Lao Chàm - Lý Sơn. Trung ương và tỉnh cần sớm hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh phát triển như: Phục chế bộ xương cá ông ở Lăng Tân làm điểm nhấn cho du lịch trên toàn đảo; chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trong Dự án Bảo tồn di tích quốc gia và Dự án Sản xuất tỏi đen Lý Sơn…

>> Với vỏn vẹn 10km2 và 2 vạn dân, vì sao Lý Sơn lại hấp dẫn nhà đầu tư đến thế?

Ngọc Phó

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Với vỏn vẹn 10km2 và 2 vạn dân, vì sao Lý Sơn lại hấp dẫn nhà đầu tư đến thế?

Mới đây, một thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khiến nhiều nhà đầu tư chú ý.


Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, với diện tích xấp xỉ 10km2 và hơn 2 vạn dân, Lý Sơn ngày càng tỏ ra là một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là một số lý do khiến các nhà đầu tư để mắt nhiều hơn đến huyện đảo này trong thời gian tới.

Địa phương kêu gọi đầu tư mạnh vào 16 dự án

Mới đây, trong thông báo mới nhất từ Quảng Ngãi, tỉnh này cho biết đã lập danh mục 16 dự án ưu tiên đầu tư cho huyện đảo Lý Sơn.

Các dự án ưu tiên đầu tư vào Lý Sơn trong thời gian tới gồm có: Siêu thị, Khu du lịch nghỉ dưỡng hang Câu, Khu du lịch biển phía nam xã An Hải, các công trình phục vụ khách tham quan, Khu du lịch tổng hợp biển phía bắc và phía nam xã An Vĩnh, Khu du lịch bãi biển Mù Cu; Khu du lịch và dịch vụ cao cấp tại đảo Bé; Khu đô thị và dịch vụ cồn An Vĩnh.

Về lĩnh vực thủy sản và nông nghiệp, Quảng Ngãi kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến thủy sản; nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; nhà máy chế biến hành tỏi…

Với từng dự án, nhà đầu tư có thể lựa chọn bằng nhiều hình thức đầu tư: Trực tiếp, BOT, BT, công tư.

Các công trình dân sinh điện, đường, cảng được đầu tư quy mô

Thực tế, trong vòng vài năm trở lại đây, huyện đảo Lý Sơn được quan tâm đầu tư mạnh mẽ.

Những công trình dân sinh điện, đường, cảng được đầu tư với số vốn lớn từ nhiều nguồn. Đó là điện cáp ngầm (hơn 650 tỷ đồng); đường cơ động Đông Nam đảo (hơn 650 tỷ đồng), cảng cá và vũng neo đậu tàu thuyền (tổng vốn 2 công trình này hơn 500 tỷ đồng)...

Năm 2015, Lý Sơn còn được đầu tư 3 dự án lớn (vốn Trung ương khoảng 200 tỷ đồng) gồm đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã An Hải; đường cồn An Vĩnh đi Rada Tầm xa, hệ thống nước sạch trung tâm huyện.

Cuối tháng 3/2016, Quảng Ngãi cũng đã phê duyệt đầu tư dự án cảng Bến Đình ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, diện tích gần 8 ha với các hạng mục bến cầu tàu cho phép neo đậu tàu có trọng tải lên đến 2.000 tấn.

Bến cập tàu dài 240m, kè bảo vệ dài hơn 500 m, hệ thống hạ tầng hiện đại gồm nhà điều hành, nhà ga hành khách, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy... Cảng biển này sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân và khách du lịch. Tổng vốn đầu tư cảng biển này khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Chuỗi khách sạn tư nhân Mường Thanh cũng đã tìm đến huyện đảo này với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng cho một dự án khách sạn 4 sao.


Đảo du lịch - Vương quốc tỏi

Từ năm 2007, Quảng Ngãi chính thức khai trương tuyến du lịch huyện đảo Lý Sơn. Nơi đây đã trở thành địa điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Quảng Ngãi.

Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, với diện tích xấp xỉ 10km2 và hơn 2 vạn dân, nhưng Lý Sơn đón đến 100.000 lượt du khách đến đây, trong tổng số 650.000 lượt khách tham quan Quảng Ngãi năm 2015.

Du khách trong và ngoài nước biết đến Lý Sơn với tên gọi "Vương quốc tỏi". Nơi đây sở hữu đặc sản tỏi danh tiếng, có hương vị, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn tỏi những vùng khác.

Ngoài tỏi, còn có hành và hải sản Lý Sơn cũng rất được du khách ưa chuộng.

Công viên địa chất toàn cầu

Mới đây, Lý Sơn còn được đánh giá có thể trở thành công viên địa chất toàn cầu.

Cụ thể, những ngày đầu tháng 4 vừa qua, một đoàn chuyên gia, nhà khoa học gồm năm chuyên gia nước ngoài, cũng là thành viên của Hội đồng di sản thế giới thuộc UNESCO, cùng với 13 chuyên gia trong nước về văn hóa, địa chất đã có cuộc khảo sát ba ngày đêm tại đảo Lý Sơn và Bình Châu (Quảng Ngãi).

Sau khảo sát, các chuyên gia đều cho rằng vùng địa chất tại các địa phương này rất có giá trị, cần phải chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, Lý Sơn, Bình Châu và các cùng phụ cận có khả năng trở thành công viên địa chất toàn cầu.

Tuy vậy, điều kiện địa chất chỉ là điều kiện cần, bên cạnh đó còn phải xét đến nhiều điều kiện khác như công tác bảo tồn, giáo dục cộng đồng, phát triển du lịch để các vùng này được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Theo các chuyên gia, Quảng Ngãi đang chỉ ở bước khởi đầu trong tiến trình hình thành nên công viên địa chất toàn cầu, nhưng đã có sức ảnh hưởng khá lớn đến việc phát triển du lịch tại địa phương. Ngay từ bây giờ, địa phương cần quản lý môi trường sinh thái một cách hiệu quả, để làm bước khởi đầu để được công nhận là công viên địa chất toàn cầu thực sự trong tương lai.

Đảo tiền tiêu - đô thị biển

Lý Sơn còn nằm trong quy hoạch mở rộng hơn 45.300 ha của khu kinh tế Dung Quất và được xác định là một trong 6 đảo tiền tiêu cả nước.

Tháng 2/2016, huyện đảo này vừa chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Đây chính là tiền đề để Lý Sơn thu hút mạnh mẽ hơn các dự án đầu tư trong tương lai với định hướng trở thành một đô thị biển.

>> Phát hiện dấu tích miệng núi lửa cổ ở vùng biển Quảng Ngãi

Kiến Anh
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

Phát hiện dấu tích miệng núi lửa cổ ở vùng biển Quảng Ngãi

Các chuyên gia tìm thấy ở khu vực gần bờ vùng biển Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) còn nguyên vẹn dấu tích miệng núi lửa cổ có niên đại hàng triệu năm. 


Trao đổi với VnExpress, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước - cho biết, miệng núi lửa cổ rộng khoảng 30 m. Ở đây, hệ địa hình sinh thái trải rộng ra khu vực xung quanh với nhiều bãi đất bazan, cột đá balad trông khá độc đáo.

"So sánh về cấu tạo địa chất, bước đầu giới nghiên cứu xác định đảo Lý Sơn - Bình Châu cùng địa hình, địa mạo sinh thái phong phú, tuyệt đẹp trải rộng khoảng 40 km2 từ nhiều đợt phun trào núi lửa. Đợt phun trào có niên đại sớm nhất cách nay khoảng 6 triệu năm và muộn nhất khoảng 3.000 năm trước", ông Lâm nói.

Dịp này các nhà khoa học cũng tìm thấy dấu tích của những đợt phun trào núi lửa khác nhau ở trên đỉnh núi lửa Giếng Tiền, Thới Lới (đảo Lớn) và khu vực bãi Sau (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn.


Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia - cho hay, sau nhiều ngày khảo sát, các chuyên gia nhận định địa chất kiến tạo từ hoạt động núi lửa Bình Châu và đảo Lý Sơn có mối quan hệ với nhau. Tập tục, tín ngưỡng thờ cúng, sản xuất, nghề đi biển của cư dân, khai quật di tích khảo cổ ở hai địa phương này có nhiều nét tương đồng...

Theo ông Quân, việc phát hiện dấu tích miệng núi lửa đã tạo nên nét đặc biệt hiếm có ở vùng biển đảo Việt Nam. Di tích về địa chất nơi đây xứng đáng được đề xuất UNESSCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu trình Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia; trình Chính phủ xếp hạng quần thể di tích văn hóa lịch sử huyện đảo Lý Sơn trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt.


Trước đó, hồi tháng 10/2014, nhóm thợ lặn cùng một số nhà khảo cổ cũng phát hiện vòm đá có nhiều loài san hô đẹp sống ký sinh, cách mặt nước khoảng 6 m uốn cong hình vòng cung và kéo dài khoảng 20 m. Vòm đá nằm gần sát bờ biển xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn. Các chuyên gia nhận định, đây là dấu tích dung nham từ hoạt động phun trào núi lửa khi gặp nước biển đông cứng lại, tạo nên vòm đá kỳ vĩ này.

Kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy, huyện đảo Lý Sơn được hình thành do tàn tích của hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Hòn đảo tiền tiêu này có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. Trong đó có nhiều di tích được tạo ra từ hoạt động phun trào dung nham của núi lửa như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng tò vò... có giá trị lớn để làm du lịch.

>> Rót tiền tỉ đầu tư nhà nghỉ, khách sạn ở đảo Lý Sơn

Trí Tín/vnexpress