Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Quảng Nam sẵn sàng cho mùa du lịch biển đảo với nhiều tour hấp dẫn


Với bờ biển dài hơn 125km cùng nhiều bãi biển tuyệt đẹp, cộng với việc sở hữu khu nghỉ dưỡng, khu dự trữ sinh quyết thế giới Cù Lao Chàm, Khu bảo tồn biển; biển Quảng Nam còn là “cầu nối” của tam giác không gian biển đảo Cù Lao Chàm-Tam Hải-Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Biển đảo Quảng Nam đã và đang trở thành sản phẩm du lịch có sức hút mạnh đối với du khách trong và ngoài nước.

Trước mùa du lịch biển đảo năm nay, các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ để không những đáp ứng nhu cầu, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho du khách, mà còn góp phần khẳng định thương hiệu chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển đảo.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách


Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm, cho biết: Với việc đưa nhiều sản phẩm du lịch vào phục vụ du khách cũng như chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện, trong mùa du lịch biển đảo năm nay, trước mắt là dịp nghỉ lễ dài 30/4-1/5 sắp tới, biển đảo Quảng Nam nói chung và trục không gian biển đảo Hội An-Cù Lao Chàm nói riêng chắc chắn mỗi ngày sẽ đón không dưới 3.000 khách đến tham quan nghỉ dưỡng.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, ngay từ đầu tháng 4 năm nay, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm đã chủ động phối hợp với Đồn biên phòng Cửa Đại và các ngành chức năng gồm cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra giao thông Quảng Nam, Ban Quản lý bảo tồn biển và các ngành chức năng của thành phố Hội An triển khai các biện pháp như kiểm tra toàn bộ gần 200 phương tiện ca nô các loại tham gia vận chuyển khách. Theo đó, ngành chức năng yêu cầu các chủ phương tiện phải có đầy đủ giấy đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn, phương tiện phải được trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn, người điều khiển phương tiện phải có Chứng chỉ hành nghề đúng quy định mới được phép chở khách đến Cù Lao Chàm và các khu vực lặn biển.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn cho du khách, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm thành lập hai tổ công tác với đầy đủ phương tiện, thiết bị và quân số, sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra trên biển. Các tổ công tác này còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát tại các bến bãi neo đậu của phương tiện để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp chở vượt số người so với quy định; duy trì thường xuyên công tác chốt chặng, giám sát đảm bảo an toàn tại các khu vực lặn biển được khách du lịch nước ngoài yêu thích để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra, Thượng tá Trần Văn Ba cho biết thêm.

Nâng cao chất lượng dịch vụ


Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh nhấn mạnh: Là một trong những sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam, du lịch biển đảo, lặn biển, trải nghiệm đời sống văn hóa, tâm linh, tham gia các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày của người dân ở các vạn chài được xem là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Quảng Nam.

Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch xác định trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, bao gồm nghỉ dưỡng ven biển, tham quan thắng cảnh biển, du lịch tàu biển, vui chơi giải trí bờ biển, các sản phẩm du lịch thể thao và sinh thái biển là những sản phẩm chủ lực. Biển đảo và hạ tầng du lịch Quảng Nam đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu này để du lịch biển đảo trở thành chuỗi sản phẩm có thương hiệu mạnh.

Xác định mùa du lịch biển, đảo năm nay lượng khách đến Quảng Nam sẽ tăng mạnh, song không vì lượng khách tăng mà chất lượng các loại hình dịch vụ giảm xuống, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã phối hợp cùng các công ty lữ hành, công ty du lịch, các địa phương, điểm đến và chủ các cơ sở lưu trú triển khai nhiều giải pháp, từ khâu hướng dẫn viên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, đều được các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện khá đồng bộ.

Riêng đối với dịch vụ lưu trú, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 624 cơ sở lưu trú với gần 13.000 phòng, trong đó 180 khách sạn xấp xỉ 10.000 phòng, 179 biệt thự với 1.745 phòng, 265 homestay với 1.086 phòng đều công khai bảng giá để khách hàng lựa chọn.

Mặt khác, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các ngành chức năng, địa phương còn tổ chức cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ ăn uống không được tạo ra tình trạng khan hiếm các mặt hàng thực phẩm, nhất là sản phẩm hải sản tươi sống, tự ý nâng giá bán các sản phẩm để trục lợi bất chính, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho biết.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và chống quá tải cho Cù Lao Chàm, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Đồn Biên phòng Cửa Đại, các ngành chức năng của thành phố Hội An tiếp tục thực hiện quy chế cấm ca nô quay vòng nhiều lần trong ngày để đón khách. Đây được xem là giải pháp hiệu quả trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, chống quá tải cho Cù Lao Chàm, Khu quản lý bảo tồn biển được thành phố Hội An thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua.

Mùa du lịch biển đảo đã bắt đầu. Muốn du lịch biển, đảo Quảng Nam trở thành thương hiệu mạnh, trước hết công tác bảo tồn các hệ sinh thái biển gắn liền với đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ là những ưu tiên hàng đầu cần đặc biệt quan tâm, Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm nhấn mạnh./.

Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Giếng 'vua' không bao giờ cạn ở Lý Sơn được công nhận là di tích

Giếng cổ Xó La ở đảo Lý Sơn
Giếng cổ Xó La (còn gọi là giếng 'vua') ở Lý Sơn chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m nhưng nước luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn.

Chiều 30.8, UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với giếng Xó La nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh.

Giếng cổ Xó La có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m, diện tích 46m2. Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m, được xây bằng đá ong, trát vữa xi măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.

>> Đề nghị đầu tư 3,5 tỷ đồng phục vụ Khu bảo tồn biển Lý Sơn

Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ Xó La xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có “tuổi” ít nhất là 5 thế kỷ.

Tuy chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không nhiễm mặn như hầu hết các giếng nước trên đảo Lý Sơn. Đặc biệt, thời kỳ đỉnh điểm mùa khô trong khi hơn 1.000 giếng nước trên đảo Lý Sơn đều kiệt nguồn nước thì chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt.

Nước giếng cổ Xó La luôn ngọt, thanh mát và không bao giờ khô cạn
Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm. Một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn, nhưng ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn. Hơn nữa, giếng Xó La nằm ở dải đất thấp trải dài dưới chân núi Hòn Vung nên rất có thể mạch nước giếng này có nguồn gốc từ nước mưa thẩm thấu trên núi xuống chân núi.

>> Homestay ở huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi

Nước giếng cổ Xó La luôn trong, xanh, ngọt, khi sử dụng nước giếng để pha trà, nấu rượu đều tạo nên một hương vị riêng, đậm đà và thơm. Vì thế, trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng Xó La bán lại cho người dùng.

Hiển Cừ
Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/gieng-vua-khong-bao-gio-can-o-ly-son-duoc-cong-nhan-la-di-tich-870877.html

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

Đề nghị đầu tư 3,5 tỷ đồng phục vụ Khu bảo tồn biển Lý Sơn

Khu bảo tồn biển Lý Sơn có diện tích gần 8.000ha, trong đó chia 3 khu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô; vùng phục hồi sinh thái; vùng phát triển. 


Ngày 2-8, ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Lý Sơn, cho biết, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã đề nghị BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt chủ đầu tư) nghiên cứu bố trí 3,5 tỷ đồng  phục vụ Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Biển Lý Sơn mang lại nguồn lợi cho người dân. Ảnh: Nguyễn Trang
Theo ông Dũng, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu bố trí 3,5 tỷ đồng để phục vụ công việc mua sắm các thiết bị máy móc, chuyên dụng như ca nô, camera dưới nước, thiết bị lặn, thả phao nhựa ít nhất 300 phao phân vùng…. tạo điều kiện nghiên cứu các loài hải sản đặc trưng vùng biển Lý Sơn. Hiện BQL chỉ có văn phòng làm việc, riêng khu trưng bày vẫn còn hạn chế.

Ông Dũng cho biết, kể từ sau khi thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn hồi năm 2016, BQL đến nay chỉ có 5 người và không có trang thiết bị phục vụ nào nên gây khó khăn cho công tác bảo tồn biển. Các thành viên chủ yếu đi vòng quanh đảo quan sát các hoạt động ngư dân, công ty, tàu thuyền hoạt động xung quanh để giám sát và ghi chép.

Biển Lý Sơn mang lại nguồn lợi cho người dân. Ảnh: Nguyễn Trang
Khu bảo tồn biển Lý Sơn có diện tích gần 8.000ha, trong đó chia 3 khu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô; vùng phục hồi sinh thái; vùng phát triển. Vành đai bảo vệ khu bảo tồn diện tích 2.500ha.

Vừa qua, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã tổ chức tập huấn tuyên truyền cho gần 700 ngư dân về hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển.

NGUYỄN TRANG
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/de-nghi-dau-tu-35-ty-dong-phuc-vu-khu-bao-ton-bien-ly-son-459361.html

Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi 2017


Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2017 sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2017 tại TP. Quảng Ngãi và các huyện ven biển trong tỉnh do UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì. 


Trong suốt thời gian diễn ra Tuần Văn hóa biển đảo tỉnh Quảng Ngãi sẽ có các chuỗi hoạt động liên quan như: Trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa biển đảo tỉnh Quảng Ngãi”; trưng bày sách chuyên đề về chủ đề biển, đảo; đón nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia cho thắng cảnh núi Giếng Tiền, núi Thới Lới; đón bằng công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh cho thắng cảnh đảo Bé, huyện Lý Sơn; phát động cuộc thi và triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Biển đảo quê hương”; trình diễn ẩm thực vùng biển và hải đảo Quảng Ngãi cùng nhiều hoạt động quan trọng khác.

Đặc biệt, chương trình khai mạc Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2017 dự kiến tổ chức tại TP. Quảng Ngãi sẽ làm điểm nhấn cho Tuần lễ Văn hóa biển đảo.

Tuần Văn hóa biển đảo Quảng Ngãi nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chủ quyền biển đảo Việt Nam; thể hiện sự tôn vinh, tri ân đối với các thế hệ đã hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân, nhất là cho các thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

Tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân ven biển; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ngãi đến với du khách trong và ngoài nước.

Theo Chinhphu.vn

Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Quảng Ngãi đình chỉ 10 canô chở khách qua đảo Bé, Lý Sơn


Các canô chở khách từ đảo Lớn sang đảo Bé (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị đình chỉ do không đạt chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cho du khách.


Ngày 2/7, ông Hà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi cho biết sở đã đình chỉ 10 canô chở khách từ đảo Lớn qua đảo Bé, Lý Sơn.

Theo quy định, từ 1/7, các phương tiện vận chuyển khách tuyến thủy nội địa phải hội tụ đủ các điều kiện kỹ thuật về tiêu chuẩn của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chỉ có 6 trong số 16 canô được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp phép đạt chuẩn.

Sáng qua, hàng trăm du khách đã mua vé từ đảo Lớn sang đảo Bé, xuất phát lúc 7h, nhưng phải quay lại khách sạn hoặc ngồi đợi ở các quán cà phê gần cầu cảng.

Hai giờ sau, khi cơ quan chức năng xác định các canô đủ điều kiện thì du khách mới được đi ra đảo. Du khách mua vé các canô bị đình chỉ phải trả lại vé, bị kẹt ở đảo Lớn.

Giám đốc Sở Giao thông Quảng Ngãi cho biết, đã ra thông báo và họp các chủ tàu cách đây hơn nửa năm. "Cách đây vài tháng chúng tôi đã báo động, vì các canô đi sóng gió không an đảm bảo an toàn cho khách. Sở đã gia hạn nhiều lần và đến giờ cũng không dám gia hạn nữa", ông Phương nói.

Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, sáng nay, địa phương đã chỉ đạo tăng chuyến số canô còn lại để đảm bảo đưa khách qua đảo Bé an toàn.

Đảo Bé cách đảo Lớn khoảng 20 phút đi tàu, có các bãi tắm và thắng cảnh hoang sơ. Nhiều du khách đến tham quan đảo Lý Sơn xem đảo Bé là địa điểm không thể bỏ qua trong lịch trình

Thạch Thảo/vnexpress

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Những ngày thi THPT quốc gia 2017, huyện đảo Lý Sơn vui như ngày hội


“Được tham dự kỳ thi xét tuyển tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào Đại học ngay tại địa phương mình đó không chỉ là niềm vui của các em học sinh, mà còn là niềm vui của phụ huynh học sinh, nhân dân trên cả nước. Vui mừng, phấn khởi vì từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên học sinh học được thi tại địa phương. Niềm vui, hạnh phúc đó như càng lớn hơn đối với thí sinh là con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi”.
Đó là lời chia sẻ của nhà báo Lê Hùng – một người con của huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hòn đảo tiền tiêu giữa muôn trùng sóng gió.


Nhà báo Lê Hùng tâm sự: Trong những ngày qua, qua theo dõi các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2017, được chứng kiến, lắng nghe những lời tâm sự, chia sẻ đầy niềm vui, phấn khởi của thí sinh, phụ huynh, người dân trên cả nước về kỳ thi, tôi thực sự cảm thấy xúc động. Những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của các em mỗi buổi thi đã cho thấy nỗi lo, áp lực về những kỳ thi nay đều tan biến, không còn nữa.

Được tham dự kỳ thi ngay tại địa phương mình, nên trong những ngày tham dự kỳ thi, bên cạnh các em không chỉ có bố mẹ, anh chị luôn túc trực động viên, chăm sóc, mà còn có cả sự chung tay của cả xã hội, nhất là sự tận tình, ân cần chăm sóc, giúp đỡ của cán bộ, thầy cô trường học nơi mình học tập, rèn luyện. Bất kể lúc nào, hễ thí sinh gặp khó khăn, vướng mắc trong ăn ở, sinh hoạt, hay mang nỗi buồn lo vì kết quả làm bài thi ngoài điều mong ước…thì tập thể cán bộ, giáo viên, người thân luôn có mặt kịp thời động viên, cỗ vũ tinh thần, lấy lại niềm tin tham dự kỳ thi.

Đáp lại những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp đó, các thí sinh càng nỗ lực, phấn đấu tham dự kỳ thi với tinh thần làm bài cao nhất. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các thí sinh không chỉ chăm chỉ học tập trong suốt quá trình ở trường, ở lớp…mà còn tranh thủ, tận dụng mọi thời gian để cũng cố kiến thức.

Thật vui, có một ngày con em học sinh huyện đảo Lý Sơn thôi vất vả, âu lo mỗi khi kỳ thi tới. Những chuyến vượt thuyền đạp sóng vào bờ, vật vờ trên những chuyến xe khách vào Nam, ra Bắc, chật vật ở trọ để tham dự kỳ thi xét tuyển đại học đã thành những kỷ niệm đáng nhớ và khó quên. Mỗi chuyến vượt biển vào đất liên đi thi của con em học sinh Lý Sơn chở đầy nỗi lo, bởi vậy mà con đường học tập của học sinh lý sơn cứ chồng chềnh, gian khó theo từng con sóng. Để rồi niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa đến bất ngờ, ngay cả với lũ hoc trò trên đảo, những người dân mặn mòi vị biển, bất ngờ với cả những người con xa quê hương như tôi. Tôi đã chực khóc khi một người bạn đồng nghiệp ở đảo nơi tôi sinh ra gọi điện bảo: “Kỳ thi THPT quốc gia 2017 ngay trên hòn đảo tiền tiêu, những ngày kỳ thi diễn ra, đảo vui như ngày hội”, nhà báo Lê Hùng xúc động.

Bởi nói như lời chia sẻ của phóng viên Phạm Văn Mịnh – Đài phát thanh huyện đảo Lý Sơn nói với chúng tôi trong sáng 22/6 – ngày đầu tiên thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017: Bao nhiêu năm gắn bó với huyện đảo Lý Sơn, tôi chưa bao giờ chứng kiến một niềm vui, niềm xúc động nào đến vậy, khi các em học sinh, thầy cô giáo trên đảo hát vang bài quốc ca trước lễ khai mạc kỳ thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trên huyện đảo Lý Sơn chỉ có 223 thí sinh của huyện đảo Lý Sơn tham dự kỳ thi là 223 gương mặt, ánh mắt, nụ cười tươi xinh, trong veo, hồn nhiên đến lạ. Niềm vui của các em là niềm vui chung của cha mẹ, gia đình và của người dân trên huyện đảo tiền tiêu nghèo khó này.

Phóng viên Phạm Văn Mịnh cho hay: Để tổ chức kỳ thi, Ban chỉ đạo thi đã phối hợp với lượng công an áp tải để vận chuyển từ đất liền ra đảo bằng tàu cao tốc. Để kỳ thi diễn ra an toàn và đạt kết quả, ngoài việc thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, sao in đề thi, thì các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp chuẩn bị mọi phương án cụ thể đề phòng sự cố bất thường có thể xảy ra. Cán bộ coi thi cũng được huy động ra đảo làm nhiệm vụ, bất chấp khó khăn, vất vả…

Những điều thực tế cụ thể đó đã nói lên rằng, để tạo nên một kỳ thi thành công, sự thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, nỗi lo cho người dân, phụ huynh thí sinh…từ cán bộ coi thi, đến đơn vị tổ chức kỳ thi đã phải làm việc hết sức vất vả, đầy trách nhiệm. Trong đó, điều đáng kể hơn cả là sự hy sinh, cống hiến lặng thầm, trực tiếp của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng khó…

Hơn hết đó là sự nỗ lực thực hiện triển khai những chủ trương về đổi mới giáo dục và đào tạo mà Bộ GD&ĐT, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện trong thời gian qua.

Đại Khải – Phú Minh
Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhung-ngay-thi-thpt-quoc-gia-2017-huyen-dao-ly-son-vui-nhu-ngay-hoi-3458381-c.html

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Làng bích họa "nhất cử lưỡng tiện" trên đảo tiền tiêu Lý Sơn


Cùng với tuyên truyền bảo vệ môi trường và sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, việc tạo làng bích họa ở đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã nhận được sự đồng tình của đông người dân trên đảo. Nhiều người ví von đây là "nét sơn mới" để đảo được đẹp hơn.


Xã đảo An Bình (Lý Sơn) cách đất liền hơn 20 cây số. Sự xuất hiện của những họa sĩ đến vẽ trên hàng loạt tường nhà những bức tranh đầy màu sắc đã thu hút sự quan tâm của tất cả cư dân hơn 500 người ở đảo này.

Nhìn những tình nguyện viên đang đội nắng để sơn hoàn tất một phong cảnh của biển, bà Nguyễn Thị Lý (53 tuổi) tâm sự: "Những bức vẽ trên tường nhà làm nơi đây trông đẹp hơn rất nhiều".


Trưa 3.6, nói về ý tưởng này với PV Dân Việt, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư huyện Lý Sơn - chia sẻ: "Vào tháng 3.2017, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) có văn bản gửi nội dung chọn Lý Sơn để vẽ tranh bích họa tuyên tuyền bảo vệ môi trường và rùa biển, với thông điệp 'Tôi yêu biển đảo//Sinh ra để sống hoang dã'".

Những bức vẽ bích hoạt sẽ tạo cho đảo một điểm nhấn mới để thu hút du khách. Người dân đảo Bé khi được hỏi ý kiến cũng tán thành gần như 100%.

Bác Nguyễn Văn Nuôi (60 tuổi, người dân đảo Bé) bày tỏ: "Thay trên những bức tường rêu cũ bởi nắng và gió bằng các bức tranh đẹp và ý nghĩa giáo dục cho con cháu như vậy thì tốt hơn rất nhiều".

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết thêm: "Sau khi hoàn thành làng bích họa tại đảo Bé, các cấp ngành Lý Sơn sẽ cùng với các đơn vị phối hợp thực hiện có đánh giá cụ thể; tham khảo ý kiến của người dân, du khách... trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định tiếp theo".


“Thông qua các bức bích họa, chúng tôi mong muốn đảo Bé sẽ trở thành một điểm đến của du lịch cộng đồng, giảm bớt áp lực khai thác các nguồn lợi thủy sản, giúp người dân tăng cường nhận thức trong việc bảo vệ môi trường biển và các động vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng", bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý chương trình biển và vùng bờ IUCN - bày tỏ.

Thời gian hoàn thành làng bích họa khoảng 1 tuần (từ ngày 1 - 6.6). Ngoài ra, nhóm tình nguyện trên còn tiến hành quét dọn, sơn và tân trang 25 ngôi nhà đã xuống cấp, cũ kỹ... cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.

Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/lang-bich-hoa-nhat-cu-luong-tien-tren-dao-tien-tieu-ly-son-775894.html